07:01, 22/01/2023

Tạo đột phá cho Khu Kinh tế Vân Phong

Từ lâu, Vân Phong luôn được đặt niềm tin về một khu kinh tế động lực, tạo thêm một bước phát triển mới cho tỉnh. Bước sang năm 2023, khi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai, sự kỳ vọng vào khu vực này càng lớn hơn gấp nhiều lần.

Từ lâu, Vân Phong luôn được đặt niềm tin về một khu kinh tế (KKT) động lực, tạo thêm một bước phát triển mới cho tỉnh. Bước sang năm 2023, khi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai, sự kỳ vọng vào khu vực này càng lớn hơn gấp nhiều lần.


Nền tảng từ quy hoạch


Trong những năm qua, KKT Vân Phong được xác định là vùng động lực phát triển, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Quá trình phát triển của KKT Vân Phong góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Trong năm 2022, thực hiện Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 13-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức thực hiện các bước theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đến ngày 18-10, UBND tỉnh đã trình Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 14-11, Bộ Xây dựng có văn bản lấy ý kiến 9 bộ và Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam. Đồ án điều chỉnh quy hoạch được thẩm định trong tháng 12-2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1-2023.

 

Một góc Khu Kinh tế Vân Phong.

Một góc Khu Kinh tế Vân Phong.


Về thu hút đầu tư, trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đã có văn bản đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong tập trung vào các ngành nghề về du lịch, công nghiệp, năng lượng, đô thị... Tuy nhiên, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng tại KKT chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên Ban Quản lý KKT Vân Phong chưa có cơ sở triển khai thu hút đầu tư…


Cơ hội phát triển đột phá


Sự ra đời của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho KKT Vân Phong phát triển đột phá. Đặc biệt, từ năm 2023, khi 2 nghị quyết này được tập trung triển khai sẽ mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược vào phát triển KKT Vân Phong. Cơ chế phân cấp, phân quyền cũng sẽ giúp tỉnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa KKT Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu, giúp khai thác tối đa tiềm năng phát triển của KKT Vân Phong. Một tín hiệu đáng mừng, hiện có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, có tiềm năng phát triển mạnh, như: Lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch, cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế…


Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, từ những cơ hội đã có, để thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, tạo động lực phát triển KKT Vân Phong trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT Vân Phong và các sở, ngành liên quan phối hợp tập trung triển khai rà soát, hoàn thiện các quy hoạch trong KKT, các khu công nghiệp, bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch; triển khai lập quy hoạch phân khu chức năng để kêu gọi những dự án đầu tư có tính chiến lược. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh theo Nghị quyết số 55, trong đó có cơ chế đặc thù cho KKT Vân Phong, tạo cơ sở cho việc triển khai và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của tỉnh và KKT Vân Phong. Ngoài ra, các đơn vị sẽ phối hợp triển khai đồng bộ những công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho KKT, nhằm tạo sự liên kết phát triển vùng; liên kết với các địa phương Phú Yên, Đắk Lắk… để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, hướng đến trở thành một trong những vùng động lực phát triển của khu vực và cả nước.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 150 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; vốn thực hiện 2,68 tỷ USD, đạt 65% vốn đăng ký. Trong đó, có 95 dự án đã đi vào hoạt động, 55 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.


Đ.LÂM