Năm 2022, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa...
Năm 2022, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 55 ngày 16-6-2022. Cùng với đó, cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá rất cao việc HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp đón xuân Quý Mão 2023, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa xung quanh những vấn đề này.
Ban hành nhiều nghị quyết quan trọng
- Xin ông cho biết những nghị quyết đã được HĐND tỉnh ban hành nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội?
- Nghị quyết số 55 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của tỉnh những năm tới. Do thời gian thực hiện trong 5 năm nên việc HĐND tỉnh nhanh chóng thông qua các nghị quyết nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền được Quốc hội giao có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhận thức rõ điều này, ngay khi nhận được các nội dung liên quan do UBND tỉnh trình, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các ban của HĐND tỉnh chủ động phối hợp, thẩm tra với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc; vừa đảm bảo yêu cầu tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, đầy đủ các dữ liệu thông tin để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Theo đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về ban hành danh mục các dự án đầu tư công thực hiện thí điểm tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Đây là nghị quyết rất quan trọng, giúp tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư; đồng thời, khi công tác giải phóng mặt bằng được tách khỏi dự án đầu tư, không tính vào thời gian thực hiện dự án sẽ giảm bớt áp lực về tiến độ thực hiện cho chủ đầu tư, dành thêm thời gian cho các khâu đấu thầu, xây dựng... Qua đó, đảm bảo nâng cao chất lượng công trình, phân định trách nhiệm của từng cấp trong việc giải phóng mặt bằng của dự án, hạn chế việc phải điều chỉnh dự án.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết về: Quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; trình tự thủ tục thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm. Đây là những cơ sở quan trọng trong thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án có quy mô lớn từ 300ha trở lên tại các địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới.
Tại kỳ họp cuối năm 2022, HĐND tỉnh đã phê duyệt Đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh năm 2023, với khối lượng phát hành tối đa trong năm 2023 là 1.000 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương sẽ góp phần đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các công trình, dự án đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua.
- Thưa ông, 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vậy, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách gì để hỗ trợ 2 địa phương này trong thời gian tới?
- Những năm qua, tuy tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ, nhưng nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Vĩnh, Khánh Sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Để tạo thêm nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho 2 huyện miền núi phát triển trong 5 năm tới, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng ngân sách của các địa phương và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Đây cũng là một nội dung quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 của Quốc hội; là căn cứ pháp lý để huy động nguồn lực hỗ trợ cho 2 huyện miền núi phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa 2 huyện này trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”, khắc phục hạn chế “chênh lệch phát triển trong nội tỉnh”, từng bước “thu hẹp khoảng cách” giữa miền núi và đồng bằng.
Trước đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Dự án được đầu tư sẽ góp phần xóa bỏ tính độc đạo của Tỉnh lộ 9 nối Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Cam Ranh đến huyện Khánh Sơn. Tuyến đường này sẽ tạo ra không gian mới trong việc phát triển, kết nối giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm khác của tỉnh; khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng.
Quan tâm công tác đảm bảo an sinh xã hội
- Thời gian qua, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống người dân, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Năm 2022, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả, tuy nhiên những tác động xấu của dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đã được ban hành, trong năm 2022, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026; chế độ chính sách đối với cán bộ tỉnh và một số đối tượng chính sách khác; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài; hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại các địa phương; chế độ dành cho công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; hỗ trợ chương trình phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ hoạt động sáng kiến; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ về: chuyển đổi cây trồng; phát triển du lịch cộng đồng; chương trình mỗi xã một sản phẩm; phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới. Các chính sách này thực sự đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, người dân sinh sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn...
Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, ban hành thêm một số chế độ, chính sách an sinh xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà các nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.
- Trân trọng cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)