Không chỉ chở khách du lịch, thuyền trưởng Đào Thị Long còn tham gia cứu hộ cứu nạn, giúp người dân nghèo ở làng chài Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Bao năm qua, chị đã coi đảo là nhà, biển là quê hương, làng ốc bé nhỏ nằm giữa biển là gia đình của mình.
Không chỉ chở khách du lịch, thuyền trưởng Đào Thị Long còn tham gia cứu hộ cứu nạn, giúp người dân nghèo ở làng chài Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Bao năm qua, chị đã coi đảo là nhà, biển là quê hương, làng ốc bé nhỏ nằm giữa biển là gia đình của mình.
Nữ thuyền trưởng trên vịnh Vân Phong
Cầu cảng Vạn Giã những ngày cuối năm, biển động, gió thổi rít từng cơn. Đón tôi trên chiếc cano chòng chành là một phụ nữ dáng người đậm, khuôn mặt đầy đặn, nước da đen giòn. Sau cú đề pa ngọt lịm, chiếc cano lướt đi giữa sóng biển mênh mông. Gió thổi mạnh khiến sóng dâng cao, nhưng người phụ nữ điều khiển cano như quá quen thuộc với điều kiện thời tiết như thế này, mạnh mẽ làm chủ tay lái, lựa theo con sóng để chở khách an toàn nhất.
Nhìn chị mạnh mẽ, phóng khoáng nên tôi không bất ngờ khi nghe chị nói đã có bằng thuyền trưởng, có thể điều khiển, chỉ huy con tàu lên đến 49 chỗ. Kể về hành trình làm thuyền trưởng của mình, chị Long tâm sự: “Năm 2016, khi ra đảo Điệp Sơn làm du lịch, khó khăn lớn nhất là chở khách từ bờ ra đảo. Khi ấy, do chưa có bằng lái nên các chuyến tàu đều phải thuê người chở, vừa tốn kém lại bất tiện. Nhiều lần theo những con tàu lênh đênh sóng nước, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghề lái tàu, rồi quyết tâm đi học. Đến năm 2018, tôi vượt qua kỳ thi sát hạch thuyền trưởng, nhưng lúc ấy vẫn chưa được lái cano mà chỉ lái tàu gỗ. Hơn 1 năm sau, tôi thi tiếp bằng cao tốc, lúc ấy mới được cầm lái cano”.
Sau khi được cầm vô lăng con tàu của mình, cứ nghề dạy nghề mà chị đã trở thành một thuyền trưởng cừ khôi. Suốt những năm tháng lênh đênh biển cả, bên cạnh việc chở khách du lịch, chị Long còn tham gia rất nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn. “Đáng nhớ nhất với tôi là đợt cứu hộ tháng 11-2017, khi ấy tôi đang theo học, chỉ là thuyền viên trên tàu. Khi nhận được yêu cầu hỗ trợ đưa 17 người trên tàu Jupiter bị nạn trên biển do bão lớn vào bờ, tôi cùng với anh Đại Anh (chồng chị - PV) đã không một phút chần chừ. Khó khăn nhất là trên tàu có một phụ nữ, do sóng lớn, cano liên tục bị quần thảo, phải đu thang dây mới có thể đưa người này xuống tàu để vào bờ an toàn. Sau khi đưa được 17 người vào bờ, làm các thủ tục với cơ quan chức năng, chủ tàu Jupiter đã tặng tôi chiếc áo làm kỷ niệm, tôi vẫn luôn giữ nó cho đến bây giờ”.
Không chỉ cứu nạn, chị sẵn sàng giúp đỡ chở người dân ở các đảo trên vịnh Vân Phong khi bị ốm đau, sinh đẻ vào bờ đi viện. “Giúp người là mệnh lệnh trái tim, bất kể ngày đêm, ai có việc cần tôi đều sẵn lòng. Có trường hợp người ở Ninh Đảo đưa người nhà đi đẻ vào lúc chiều muộn bằng ghe. Nhưng khi ra khơi, sóng lớn, không thể tiếp tục hành trình nên gọi điện cầu cứu và tôi đã xuất bến đưa vào bờ an toàn. Hay nhiều trường hợp bị nạn trên biển, tôi cũng không ngần ngại ra chở thi thể vào bờ hỗ trợ các gia đình”, chị Long chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh cho biết, việc di chuyển của người dân trên đảo nhiều năm trước gặp nhiều khó khăn, tàu cứ cách 2 ngày mới có 1 chuyến đi về. Vất vả nhất là các trường hợp cấp cứu đi viện, hay sinh nở, có đợt 6 tháng 5 ca sinh, nhưng chỉ vào bờ sinh được 2 ca, còn 3 ca phải quay về giữa chừng vì sóng gió. Nhưng mấy năm trở lại đây, chị Đào Thị Long cùng một số người làm du lịch có cano đã hỗ trợ chở người dân rất nhiều, bà con ai cũng phấn khởi.
Tình yêu với biển, đảo
Ông Nguyễn Xuân Thu - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải: Mỗi năm, có hàng trăm học viên tham gia dự khóa sát hạch lấy bằng thuyền trưởng, nhưng những năm qua, học viên Đào Thị Long là trường hợp đặc biệt. Hiện chị là nữ thuyền trưởng duy nhất của Khánh Hòa. |
Chia sẻ về ước mơ của mình, chị Long nói: “Ước mơ lớn nhất của đời tôi là có tiền đóng một con tàu thật lớn chuyên chở miễn phí cho người dân đi khám bệnh, cấp cứu, chở trẻ em đi học, mọi người đỡ vất vả cực nhọc hơn”. Tuy thời gian gắn bó với đảo chưa dài nhưng những gì vợ chồng “chúa đảo Điệp Sơn” đã làm được người dân nơi đây ghi nhận.
Từ chỗ không nhiều người biết đến, xóm chài nghèo Điệp Sơn với con đường giữa biển nối Hòn Ó và Hòn Quạ đã nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí với cả khách du lịch nước ngoài. Hơn 5 năm ra đảo đầu tư, vợ chồng chị Long liên tục cải tạo cảnh quan môi trường, trồng thêm cây xanh, hoa lá, làm một số công trình tạm phục vụ du khách.
“Để đảo có được màu xanh như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực. Những ngày đầu ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây tràn ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê hàng chục nhân công mỗi ngày để dọn rác quanh đảo; phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Hiện, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp” chị Long chia sẻ. Ngoài ra, khách trước khi lên ca nô để đi đảo đều được khuyến cáo không dùng nước chai nhựa mang ra đảo, vợ chồng chị đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách.
THÀNH NAM