Lâu nay, trên diễn đàn của những người chơi hoa lan, anh Trần Bá Ninh (sinh năm 1981, thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) được biết đến là chủ sở hữu vườn lan Nghinh xuân lớn bậc nhất Khánh Hòa. Khởi nghiệp thành công từ tình yêu dành cho hoa phong lan, hiện nay, anh Bá Ninh dành tâm huyết vào dự án bảo tồn các loại lan quý để làm cơ sở phát triển ngành sản xuất hoa lan tại Khánh Hòa và đưa lan Việt xuất ngoại.
Lâu nay, trên diễn đàn của những người chơi hoa lan, anh Trần Bá Ninh (sinh năm 1981, thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa) được biết đến là chủ sở hữu vườn lan Nghinh xuân lớn bậc nhất Khánh Hòa. Khởi nghiệp thành công từ tình yêu dành cho hoa phong lan, hiện nay, anh Bá Ninh dành tâm huyết vào dự án bảo tồn các loại lan quý để làm cơ sở phát triển ngành sản xuất hoa lan tại Khánh Hòa và đưa lan Việt xuất ngoại.
Khởi nghiệp từ hoa lan
Đưa tôi tham quan vườn lan đang bung nở, thoảng hương, anh Trần Bá Ninh - Giám đốc Công ty TNHH Bá Ninh kể rằng, anh lớn lên dưới chân Hòn Hèo, nơi có những loài phong lan Nghinh xuân, Giả hạc… đẹp nức tiếng mà giới chơi lan thường săn tìm. Anh vẫn nhớ như in về những cái Tết xưa, cứ độ giáp Tết, anh lại cùng thanh niên trai tráng trong làng lên núi, tìm cho mình nhánh Nghinh xuân rừng về chưng Tết. Cứ thế, tình yêu với lan Nghinh xuân cứ lớn lên từng ngày. “Cho đến dịp cận Tết cách đây đã 9 năm, khi tôi sang Campuchia tìm dược liệu và bắt gặp một khung cảnh không thể nào quên. Khi ấy, một góc rừng nước bạn dày đặc loài Nghinh xuân quý phái đang đua nhau bung nở từng chùm. Những cành hoa với sắc trắng tím, hương thơm dịu nhẹ như chiếm lĩnh khu rừng. Từ đó, hình ảnh về khu rừng Nghinh xuân mê hoặc lòng người mãi ngự trị trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi đến với hoa lan. Bắt đầu từ con số không tròn trĩnh về kỹ thuật trồng, chăm sóc, qua nhiều phen “tầm sư”, nhiều lần “trả học phí” bằng hàng trăm ký lan giống, cứ trồng lại hư, rốt cuộc những trụ lan nghinh xuân rừng đầu tiên cũng bám trụ, buông rễ, cho hoa trong vườn lan dưới chân Hòn Hèo của tôi”, anh Bá Ninh nhớ lại.
Niềm đam mê hoa lan trong anh lớn dần, đồng nghĩa với các loại lan trong vườn cũng ngày càng nhiều hơn, phong phú về chủng loại, độc đáo về sự quý hiếm, đột biến; trong nước có, nhập khẩu có. Để lan tỏa tình yêu với hoa lan, năm 2016, anh Bá Ninh đã quyết định khởi nghiệp với hoa lan khi thành lập Công ty TNHH Bá Ninh - doanh nghiệp hiện nay được giới chơi lan trong nước biết đến là đơn vị cung cấp các loại hoa lan hàng đầu tại Việt Nam. Tết này, công ty cung cấp đến người yêu lan hàng chục nghìn giò lan Nghinh xuân, hàng chục nghìn giò lan Hồ điệp và nhiều loại lan khác.
Bảo tồn những giống lan quý hiếm
Tuy vườn lan 8.000m2 của Công ty TNHH Bá Ninh nằm ở khá xa khu trung tâm thị xã Ninh Hòa, nhưng lại được người yêu lan cả nước biết đến. Đó là nhờ cách làm sáng tạo, biết ứng dụng công nghệ 4.0 của vị giám đốc trẻ tuổi này. Những ngày cuối năm, hơn 30 nhân viên của công ty vẫn bận rộn với việc livestream giới thiệu, chốt đơn, đóng gói, vận chuyển các giò lan mà khách hàng khắp cả nước đặt mua. Hiện nay, người chơi lan chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa “hoa lan Bá Ninh” sẽ dễ dàng tìm, sưu tầm được các giống lan phù hợp với sở thích của mình. Nhờ đó, hoạt động của công ty ngày càng phát triển, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương. Khởi nghiệp thành công với hoa lan, năm 2018, anh Trần Bá Ninh đã vinh dự là một trong số ít chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Khánh Hòa về báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và chúc Tết Chủ tịch nước.
Câu chuyện giữa tôi và anh Bá Ninh chốc chốc lại ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… gọi anh để hỏi mua những giò Nghinh xuân “khủng” về chơi Tết. Trong số đó, có người vì đam mê mà liên tục gọi để hỏi mua giống của những loài lan quý, lan đột biến anh Bá Ninh đã sưu tập được, với hy vọng được anh nhượng lại một vài ki giống cho thỏa đam mê.
Hiện nay, trong vườn của anh Bá Ninh có hơn 50 loài lan quý hiếm của Khánh Hòa và cả nước như các loài Nghinh xuân, Giả hạc, Bạch môi, Quế, lan Vani… ở vùng rừng núi Khánh Hòa; hay các loại quý hiếm, đột biến của Việt Nam như: Cù lao minh, Trầm sáu mắt, Phi điệp năm cánh trắng, Hoàng nhạn tháng 8… Trong số ấy, có những loại lan, anh phải bám trụ, thuyết phục hàng tháng trời chủ hoa mới nhượng lại với giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi ki, thậm chí có loại lan Phi điệp anh mua với giá 1 tỷ đồng/ki.
Nói chuyện bỏ tiền tỷ mua 1 ki lan về trồng, anh Bá Ninh cười bảo: “Tôi còn có dự định lớn hơn và đang tập trung xây dựng “Dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao bảo tồn các giống lan tại Khánh Hoà”, với quy mô đầu tư 50 tỷ đồng, trên diện tích gần 2,5ha tại xã Ninh Phú. Mục tiêu của tôi là bảo tồn nguồn gen, nhân giống các loài lan quý hiếm của Khánh Hòa, của Việt Nam, phát triển ngành trồng lan phục vụ xuất khẩu tại địa phương và đưa lan Việt xuất ngoại trong thời gian ngắn sắp tới. Cũng chính sự thôi thúc của dự án này mà mỗi khi nghe ở đâu có lan quý, lan đột biến, tôi liền đến tìm hiểu, mua cho bằng được giống các loại lan quý, đẹp để phục vụ cho việc bảo tồn”.
H.L