Những tưởng phải đến tận Quảng Nam hay lên Kon Tum mới có thể mắt thấy, tai nghe về sâm Ngọc Linh, thế nhưng, ngược ngàn lên đỉnh Hòn Bà, chúng tôi đã mục sở thị loại "quốc bảo" của nước ta cũng đang hiện diện tại khu bảo tồn thiên nhiên này.
Những tưởng phải đến tận Quảng Nam hay lên Kon Tum mới có thể mắt thấy, tai nghe về sâm Ngọc Linh, thế nhưng, ngược ngàn lên đỉnh Hòn Bà, chúng tôi đã mục sở thị loại “quốc bảo” của nước ta cũng đang hiện diện tại khu bảo tồn thiên nhiên này.
Những luống sâm quý giữa rừng
Sau nhiều lần đăng ký và hứa sẽ “tuyệt đối bí mật” về vị trí trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh, chúng tôi mới được lãnh đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tạo điều kiện để được tận mắt chứng kiến một trong những loại sâm có chất lượng tốt nhất thế giới, đang hiện diện tại khu bảo tồn. Cùng chúng tôi lên rừng lần này có ông Lưu Văn Nông - Phó Trưởng phòng Giáo dục Môi trường rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, một trong những người chứng kiến từng ngày sự sinh trưởng của loài sâm quý trên vùng non cao Hòn Bà, cũng là người có nhiều kỷ niệm thú vị khi gắn bó thực địa với những luống sâm Ngọc Linh.
Sau hơn 1 giờ đi đường rừng, chúng tôi đến được 1 trong 3 địa điểm đang trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh. Trước mắt chúng tôi là những cây sâm thân thảo, cao chừng 30 - 40cm, lá mọc vòng xòe ra ngộ nghĩnh như bàn tay. Tại khu vực này có 5 luống, với tất cả 263 cây sâm; còn ở 2 vị trí khác, có 13 luống với hàng trăm cây cũng đang phát triển tốt.
Chỉ cho chúng tôi những vị trí có cây hoặc củ sâm Ngọc Linh, ông Nông giảng giải: “Mùa này, sâm Ngọc Linh thường “ngủ đông”, có khi ngủ đến 60 - 70% số cây trong mỗi luống. Những cây còn thân, lá xanh tươi là những cây “thức”; cạnh những thanh tre nhỏ là những cây “ngủ đông”, thân, lá đã rụng, bên dưới lớp mùn đất, củ sâm vẫn đang “sống bình thường”, phải đến tháng 2, tháng 3 năm sau những củ sâm này mới mọc thân, lá trở lại. Cứ sau mỗi đợt “ngủ đông”, củ sâm Ngọc Linh lại thêm một tuổi. Để xác định tuổi của sâm, người ta chỉ cần đếm số mắt trên củ, mỗi mắt tương ứng với 1 tuổi”.
Giữa rừng già, ông Nông kể cho chúng tôi nghe về những đêm thức trắng để canh sâm khỏi sự phá hoại của nhiều loài động vật rừng; những ngày hè “cơm nắm”, ông cùng đồng nghiệp vượt hàng cây số đường rừng, cõng từng can nước về tưới để “canh” độ ẩm cho những luống sâm phải luôn đảm bảo từ 85% trở lên hay những ngày Hòn Bà buốt giá, ông lại miệt mài gom mùn đất về bón cho từng gốc sâm… Chính sự tâm huyết, chăm sóc tỉ mẩn ấy mà đến nay, cây sâm Ngọc Linh trên đỉnh Hòn Bà đã cho củ bằng ngón tay người.
Triển vọng phát triển
Còn nhớ, trong lần trò chuyện cách đây đã 5 năm, ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, nhiều lần đến vùng núi Ngọc Linh - “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, nhận thấy điều kiện của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà khá tương đồng với nơi có cây sâm quý này, ông đã ấp ủ ý tưởng đưa sâm Ngọc Linh về trồng thử nghiệm trên đỉnh Hòn Bà. Qua nhiều lần thuyết minh, tháng 11-2018, khu bảo tồn đã được UBND tỉnh phê duyệt đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà”, do ông Đỗ Anh Thy (khi ấy đang là Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà) làm chủ nhiệm đề tài.
“Mục tiêu chúng tôi hướng đến là đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng của cây sâm Ngọc Linh khi trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Qua thực tế các mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên tại 3 khu vực có độ cao, sinh cảnh khác nhau, các thông tin về điều kiện sinh thái tại những khu vực trồng thử nghiệm, khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng sâm Ngọc Linh trồng tại Hòn Bà được chúng tôi thu thập từng ngày. Từ ngày đưa về trồng thử nghiệm, cây sâm Ngọc Linh đang cho thấy sự thích nghi, phát triển tốt dưới tán rừng Hòn Bà”, ông Đỗ Anh Thy chia sẻ.
Lật những trang báo cáo đánh giá, phân tích của Trung tâm sâm và dược liệu TP. Hồ Chí Minh về cây sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, chúng tôi tin sâm Ngọc Linh sẽ thích nghi tốt, bám rễ được ở rừng Hòn Bà. Đến thời điểm này, các nhà khoa học xác định, sâm Ngọc Linh trồng tại 3 khu vực ở Hòn Bà đều đã cho củ tươi 2 năm tuổi. Từ phân tích bằng phương pháp hóa học và phương pháp sắc ký lớp mỏng, các mẫu sâm đều được xác định có sự hiện diện của hợp chất saponin (dưỡng chất của sâm Ngọc Linh) và các saponin chính; sử dụng phương pháp đo quang, các nhà khoa học còn xác định được hàm lượng saponin toàn phần trong các mẫu sâm Ngọc Linh ở Hòn Bà.
Được chứng kiến vườn sâm quý trên đỉnh Hòn Bà, mắt thấy, tai nghe về loại “quốc bảo” của Việt Nam đang thích nghi rất tốt tại rừng núi Hòn Bà, chúng tôi càng thêm hy vọng những kết quả từ đề tài nghiên cứu sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển sâm Ngọc Linh tại vùng đất Khánh Hòa.
H.L - T.T
Sâm Ngọc Linh (danh pháp Panax vietnamensis) còn gọi sâm Việt Nam, sâm Khu Năm… là loại sâm quý mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)… trên độ cao 1.200 - 2.100m. Từ những kết quả nghiên cứu về công dụng sâm Ngọc Linh đã được công bố cho thấy, đây là loại sâm quý có hàm lượng saponin cao nhất trên thế giới với 52 loại, đặc biệt có 24 loại saponin không thể tìm thấy ở những loại sâm khác.