09:02, 12/02/2021

Chữ Đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong di sản tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân, một giá trị xuyên suốt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, đạo đức Nho giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong quan điểm của Người. 

Trong di sản tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân, một giá trị xuyên suốt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, đạo đức Nho giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong quan điểm của Người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã hấp thu những tinh hoa đạo đức của nhân loại, mở rộng nội hàm chữ Đức. Chữ Đức trong tư tưởng của Người mang hơi thở của thời đại mới, trở thành đạo đức cách mạng.


Từ chữ Đức trong Nho giáo


Khổng Tử (551 - 479 TCN) được suy tôn là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc nhất cõi Á Đông. Ông là người đề cao giá trị đạo đức, khởi xướng tư tưởng Đức trị (dùng đức để trị nước). Đường lối đức trị của Khổng Tử đã thống trị trong xã hội phong kiến Á Đông hàng nghìn năm lịch sử và tạo nên truyền thống văn hóa Á Đông.  


Quan niệm về đức là cơ sở quan trọng tạo nên tư tưởng đức trị của Khổng Tử. Khổng Tử coi đức là gốc của con người, coi hiếu đễ là gốc của đức. Quan niệm về đức của Khổng Tử thể hiện trong Luận ngữ rất sâu sắc và phong phú. Đức không chỉ là thiện đức mà chủ yếu là hành động, là lời nói đi đôi với việc làm. Khổng Tử quan niệm đức với tài phải đi đôi với nhau, nhưng đức phải là gốc. Những quan niệm đó thể hiện lòng tin ở tính thiện của con người và chủ trương bồi dưỡng, phát huy thiện đức của con người. Từ quan niệm về đức, Khổng Tử đi sâu bàn luận về nhân, lễ làm cơ sở cho đường lối đức trị của mình. Các nhà tư tưởng Nho giáo về sau đều coi tư tưởng về đức của Khổng Tử là nền tảng của đường lối đức trị.


Với truyền thống Nho học của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lớn lên với những bài học đầu đời về đạo đức theo tư tưởng Nho giáo. Từ cái nền học vấn này, trong quá trình trưởng thành và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã hấp thu những tinh hoa của nhân loại, phát triển từ yêu cầu thực tiễn làm giàu thêm kiến thức của mình, để lại cho dân tộc và cho nhân loại di sản vô giá: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.


Cán bộ và đạo đức cách mạng


Khái niệm đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ở nhiều tác phẩm mà tiêu biểu nhất ở 3 tác phẩm: “Đường Cách mệnh” (1927), “Sửa đổi lối làm việc” (1947) và “Đạo đức cách mạng” (1958). Đặc biệt, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày một cách toàn diện, hệ thống về nguồn gốc, vai trò, nội dung, giá trị của đạo đức cách mạng và nêu đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Những chuẩn mực này được đặt trong mối quan hệ biện chứng với nhau và trong từng nội dung của mỗi chuẩn mực cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.


Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì thế, Đảng phải làm tốt công tác cán bộ: Từ việc xem xét, đánh giá đúng cán bộ, đến đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Trong quan điểm xem xét, đánh giá cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, Người coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa; thể hiện ở phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân; có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Bởi lẽ, đạo đức tạo nên uy tín của người cán bộ; là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng, là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.


Để tư tưởng của Người sáng mãi


Cùng với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải có năng lực (tài). Người nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ có những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng có thể hoàn thành. Năng lực của cán bộ được thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc, làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ và đảng viên phải vững vàng về chính trị và giỏi về chuyên môn. Người chỉ rõ, cán bộ phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bởi Người quan niệm, cán bộ có Đức mà không có Tài, làm việc gì cũng khó. Cán bộ có Tài mà không có Đức thì đó là người vô dụng!


Năm 2021 là năm cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cấp ủy các cấp tiến hành phân công, sắp xếp cán bộ sau Đại hội Đảng. Hơn lúc nào hết, công tác cán bộ phải luôn tâm niệm lời dạy của Người: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Việc nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là vừa mang tính lâu dài, vừa có tính cấp bách để tiếp tục soi sáng công tác cán bộ của Đảng.


T.D