11:02, 07/02/2016

Vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội

Trao đổi với Báo Khánh Hòa về những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Khánh Hòa sau khi Việt Nam hoàn tất vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết:

 

Trao đổi với Báo Khánh Hòa về những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp (DN) Khánh Hòa sau khi Việt Nam hoàn tất vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết:


TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam nhưng cũng không ít thách thức. Các DN Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt khi mở cửa thị trường. Thách thức lớn nhất đối với DN Việt Nam chính là khả năng cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong khi hàng rào thuế quan giảm dần theo lộ trình thì hàng rào phi thuế quan có xu hướng ngày càng tăng, đòi hỏi sản phẩm của các DN trong nước phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiên tiến. Đây là thách thức đối với các DN trong tỉnh, mà phần lớn là DN nhỏ và vừa, có công nghệ sản xuất chưa tiên tiến, hiện đại nên khó tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các DN ở các nước thành viên TPP.

 


Tuy nhiên, các DN của Khánh Hòa cũng có cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với các mặt hàng xuất khẩu thủy sản, nông sản, dệt may... sẽ là lợi thế đáng kể cho các DN trong việc mở rộng thị phần, gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa tương tự từ các nước không phải thành viên TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia... Mặt khác, các DN Khánh Hòa sẽ có nhiều lựa chọn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác kinh doanh. Cùng với đó là cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại và kinh nghiệm của phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh của các nước thành viên phát triển. Các DN Khánh Hòa còn có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên TPP.


- Về phía cơ quan nhà nước, UBND tỉnh cùng các sở, ngành sẽ chuẩn bị như thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội khi Việt Nam chính thức tham gia TPP thưa ông?

 

Ngành dệt may có lợi thế khi thị trường rộng mở
Ngành dệt may có lợi thế khi thị trường rộng mở


- Để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội khi TPP có hiệu lực, trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần triển khai một số nhiệm vụ sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định trong TPP đến các DN, nhằm giúp DN hiểu được những cam kết, nắm được lộ trình cắt giảm thuế quan và biểu thuế suất ưu đãi xuất nhập khẩu của các thành viên. Từ đó có thể nghiên cứu tận dụng được các ưu đãi do TPP tạo ra. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin đầy đủ cho DN trong việc tiếp cận những cơ hội của thị trường mới với những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường và cả những thông tin về chính sách vĩ mô, tạo điều kiện vận dụng một cách linh hoạt và nhanh nhạy để đảm bảo khả năng tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường của các DN. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là các loại giấy tờ trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, thuế, xây dựng, nhà đất...; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhằm thu hút mạnh nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên đồng thời hỗ trợ, cung cấp thông tin theo nhu cầu của DN.


- Các DN ở Khánh Hòa cần chuẩn bị những gì để không bị động khi tham gia TPP, thưa ông?


- Theo dự báo của Bộ Công Thương, một số ngành hàng của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông thủy sản... sẽ có cơ hội gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada... do thuế nhập khẩu giảm về 0%. Đây chính là lợi thế cạnh tranh so sánh về giá cả xuất khẩu của Việt Nam đối với các nước không phải là thành viên TPP. Tại Khánh Hòa, các DN thuộc ngành hàng thủy sản đã mang lại kim ngạch hơn 450 triệu USD/năm cho tỉnh sẽ có cơ hội nâng cao sức cạnh tranh để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Dệt may cũng là ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của tỉnh, hàng năm mang lại kim ngạch xuất khẩu hơn 70 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết DN dệt may xuất khẩu của tỉnh đang thực hiện gia công cho đối tác nước ngoài và phải nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ các nước không phải là thành viên của TPP, vì vậy sẽ không đáp ứng yêu cầu tiêu chí xuất xứ của hàng dệt may nên sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Muốn hưởng lợi thế này, các DN dệt may của tỉnh phải đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.


Để tận dụng cơ hội sắp đến và giảm thiểu các khó khăn thách thức, các DN cần tập trung nghiên cứu các nội dung có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình như quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục về xuất xứ, quy định về hải quan... Trong môi trường cạnh tranh càng cao, DN càng phải nghiên cứu thị trường tỉ mỉ hơn để xác định lợi thế về giá cả sản phẩm của DN mình khi thuế suất nhập khẩu bằng 0% nhằm tập trung đầu tư sản xuất một cách hiệu quả nhất. DN cần có biện pháp để củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nghiên cứu mẫu mã kiểu dáng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường, đảm bảo chất lượng và giá cả hết sức cạnh tranh không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để sẵn sàng và tự tin giao tiếp với đối tác, sẵn sàng cho việc nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của các nước tiên tiến và am hiểu các quy định trên thương trường quốc tế. Về lâu dài, DN cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.


- Xin cảm ơn ông!


VĂN KỲ (Thực hiện)