Là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các động tác tinh quái của loài khỉ, Hầu quyền có sức mạnh phòng thủ linh hoạt, biến hóa và những đòn phản công hiểm hóc chớp nhoáng. Thế nhưng, hiện nay ở Khánh Hòa, bộ môn quyền thuật này đang dần mai một...
Là một hệ thống quyền thuật mô phỏng các động tác tinh quái của loài khỉ, Hầu quyền có sức mạnh phòng thủ linh hoạt, biến hóa và những đòn phản công hiểm hóc chớp nhoáng. Thế nhưng, hiện nay ở Khánh Hòa, bộ môn quyền thuật này đang dần mai một...
Người truyền bá Hầu quyền ở Khánh Hòa
Theo võ sư Nguyễn Trường Sơn - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Võ Cổ truyền tỉnh, trước năm 1993, ở Khánh Hòa có gần 30 môn phái võ đã nhất thống thành võ cổ truyền. Mỗi môn phái đều có thế mạnh riêng. Và, Hầu quyền là thế mạnh của môn phái Đông Việt Đạo (võ đường Đông Vũ, ở tổ 13, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) do võ sư Đông Vũ làm chưởng môn.
Võ sư Đông Vũ với thế “Lão hầu thủ thế” |
Võ sư Đông Vũ tên thật là Võ Đình Tâm, năm nay đã 72 tuổi. Đông Vũ là biệt hiệu do sư phụ đặt cho bởi ông có biệt tài xuất đòn nhanh như gió. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, vị võ sư nổi tiếng, được xem là người đặt nền móng cho võ cổ truyền Khánh Hòa, khi sinh ra chưa đủ tháng, ốm đau quặt quẹo, mãi đến gần 4 tuổi mới biết đi. Khi ông lên 10, người dượng - là một võ sư võ cổ truyền có tiếng ở Bình Định vào Khánh Hòa sinh sống, đã dạy võ thuật cho ông cốt mong cháu khỏe mạnh. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé Tâm đã sớm bộc lộ những tố chất đặc biệt, có khả năng lĩnh hội được tinh hoa của môn võ này, trong đó sở trường là Túy quyền và Hầu quyền. Từ đó, người dượng và cũng là sư phụ đã dốc tâm truyền thụ hết các chiêu thức của võ cổ truyền cho ông.
Bay, lộn đẹp mắt trong các bài quyền |
Võ sư Đông Vũ luôn nỗ lực truyền bá môn phái Đông Việt Đạo, với thế mạnh của Xà quyền, Hầu quyền. Trước năm 1975, ông từng làm ủy viên phụ trách Kỹ thuật - Giao tế của Phân cuộc Quyền thuật miền Nam Trung nguyên Trung phần. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là võ sư hăng hái nhất hưởng ứng chủ trương khôi phục vốn võ cổ truyền của Phòng Thể dục - Thể thao Nha Trang. Từ năm 1992 đến năm 2007, võ sư Đông Vũ làm huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Võ Cổ truyền tỉnh Khánh Hòa.
Sức mạnh của Hầu quyền
Khác với các thế võ phỏng theo động tác của các loài vật khác như: Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Tượng, Mã quyền... chủ yếu thể hiện qua tay, thân pháp, thủ pháp; Hầu quyền dường như “bắt chước” loài khỉ toàn thân, từ đi, đứng, ngã, nhào lộn, chụp bắt... như cá tính của loài khỉ. Có lẽ vì thế mà Hầu quyền còn có tên gọi khác là Tượng hình quyền. Điểm mạnh của Hầu quyền là khả năng phòng thủ rất kín kẽ, linh hoạt; lấy tránh né, luồn lách là chính để tránh đòn tấn công của đối phương. Đồng thời, Hầu quyền áp dụng nguyên lý dĩ nhu chế cương, mượn sức của đối phương để đánh lại đối phương; tận dụng triệt để sơ hở của đối phương để tung đòn phản công bất ngờ, hiểm hóc vào các yếu huyệt. Chính những chiêu thức này mà Hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất.
“Phượng giật hoành xà”, một thế phản công ác hiểm của Hầu quyền |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể luyện thành công Hầu quyền. Những người thích hợp để luyện môn quyền thuật này là người có vóc dáng nhỏ bé, nhanh nhẹn, thông minh, nhất là đôi mắt phải có độ linh hoạt, nhạy cảm đặc biệt. Trong Hầu quyền, toàn bộ các động tác kỹ thuật đều phụ thuộc vào thần thái của đôi mắt. Theo võ sư Nguyễn Trường Sơn: “Người sử dụng Hầu quyền phải phối hợp nhịp nhàng thân pháp, thủ pháp một cách linh động, nhẹ nhàng. Ngoài ra, để linh hoạt, uyển chuyển trong bay nhảy, nhào lộn... người luyện môn quyền thuật này phải luyện cả khinh công và khí công. Do vậy, ngoài sự đòi hỏi cao về tố chất, để thành công với bộ môn quyền thuật này, người luyện võ phải bền gan khổ luyện ít nhất cũng phải 4 - 5 năm”.
Những trăn trở...
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến võ đường Đông Vũ, tìm gặp chưởng môn của phái Đông Việt Đạo để tìm hiểu về bộ môn Hầu quyền. Giờ đây, sức khỏe của lão võ sư Đông Vũ đã kém đi nhiều bởi những biến chứng của căn bệnh tiểu đường.
Các võ sinh chụp hình lưu niệm cùng Chưởng môn Đông Việt Đạo (áo trắng) |
Bên ly trà thơm, võ sư Đông Vũ kể cho chúng tôi nghe về những “chiến tích” của mình thời trai trẻ. Ông đã khiến cho các sĩ quan Đại Hàn phải tâm phục khẩu phục bởi các tuyệt chiêu Xà quyền, Hầu quyền... trong các cuộc tỷ thí do họ thách đấu nhằm tôn vinh Thái Cực Đạo của họ. Tiếp đến là hàng loạt tên tuổi các võ sinh là đệ tử của ông từng đoạt thứ hạng cao trên đấu trường võ cổ truyền trong nước hay rất nhiều võ sinh người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài theo học môn phái Đông Việt Đạo của ông...
Sau một hồi hàn huyên về nghiệp võ, ông dẫn chúng tôi sang võ đường của mình nằm bên cạnh nhà riêng. Vì sức khỏe không cho phép, võ sư Đông Vũ chỉ có thể thực hiện được một số thế võ đơn giản. Tuy nhiên, hai anh em Lê Hoàng Phước và Lê Thị Mỹ Thùy (thành viên đội tuyển võ cổ truyền tỉnh) - những môn sinh của võ phái Đông Việt Đạo đã biểu diễn các thế võ: “Hầu nhi hạ sơn”, “Mỹ nữ dâng quả”, “Hồng đào trảo quả”, “Tảo địa triệt cước”, “Phượng giật hoành xà”... rất đẹp mắt cùng những đòn phản công bất ngờ, lợi hại.
Trong nghiệp truyền bá võ phái Đông Việt Đạo của mình, võ sư Đông Vũ không thể nhớ hết đã truyền thụ công phu cho bao nhiêu đệ tử. Ông cũng rất đỗi tự hào bởi đã có không ít đệ tử theo nghiệp võ và lập nên nhiều võ đường để truyền bá võ phái này. Trong đó, có thể kể đến các võ đường như: Bảo Minh, Bảo Danh, Bảo Lan ở Pháp và Italia; ở trong nước thì có Đông Đường Lang (Lâm Đồng), Đông Dã Hầu (Phú Yên). Hàng năm, cứ vào ngày Giỗ tổ nghiệp võ (25 tháng Chạp), nhiều võ sinh môn phái Đông Việt Đạo là Việt kiều, người nước ngoài lại tìm về võ đường Đông Vũ để thăm chưởng môn và giao lưu với các võ sinh đồng môn. Duy chỉ một điều khiến võ sư Đông Vũ chưa tròn tâm nguyện, là hiện nay vẫn chưa tìm được truyền nhân để thay ông tiếp tục truyền bá bộ môn Hầu quyền nói riêng và võ phái Đông Việt Đạo nói chung ở Khánh Hòa.
Theo võ sư Nguyễn Trường Sơn, hiện tại ở Nha Trang có trên dưới 26 võ đường võ cổ truyền. Mỗi võ đường có những bộ môn thế mạnh khác nhau và đều có các thế võ Hầu quyền, nhưng tiếc là để đầy đủ các thế mang tính hệ thống của bộ môn quyền thuật này thì chỉ còn lại ở võ đường Đông Vũ của phái Đông Việt Đạo. Và có lẽ, những trăn trở của lão võ sư Đông Vũ và võ sư Nguyễn Trường Sơn về nguy cơ mai một của Hầu quyền cũng là nỗi trăn trở của giới võ cổ truyền Khánh Hòa!
N.A