11:02, 07/02/2016

Tạo sinh khí mới, điều kiện mới cho Đảng bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa

 

. Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa


PV: Thưa ông, năm 2016 là năm đầu tiên Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016 - 2020. Xin ông đánh giá những thuận lợi và khó khăn cơ bản khi bước vào năm mới và những nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong năm?

 


Ông Lê Thanh Quang: Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh ta triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020. Vì thế, những nhiệm vụ đặt ra trong năm cũng là những định hướng hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi của cả nhiệm kỳ. Chúng ta đang có nhiều thuận lợi cơ bản về điều kiện tự nhiên, sự ổn định về chính trị - xã hội và nền tảng kinh tế trong thời gian qua để vững tin bước vào năm mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh kinh tế, an ninh - chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn.  


Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2015 và của cả nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã cân nhắc, đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện trong năm 2016 như: Thu ngân sách đạt 13.872 tỷ đồng; GDP tăng 7,55%; GRDP bình quân đầu người tương đương 2.135 USD; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 8,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.300 triệu USD; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 13,9%; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) đạt 2,5% so với đầu năm; tỷ lệ dân cư nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh là 93,5%... Đồng thời, để đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ tỉnh xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm như sau:  

 
Tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH. Trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ động áp dụng các cơ chế huy động vốn, các hình thức đầu tư, đặc biệt là khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH.

 


Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho 4 chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, đồng thời phải sát hợp với thực tiễn. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, quan tâm hoàn thiện đồng bộ hoạt động y tế - giáo dục, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.


Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là các nhóm giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin trong đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân, tạo sinh khí mới, điều kiện mới cho Đảng bộ bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ.


PV: Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Khánh Hòa phải xây dựng được Đặc khu Hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong để tạo ra bứt phá về kinh tế, trở thành đầu tàu phát triển Khánh Hòa và khu vực”. Xin ông cho biết những bước triển khai cụ thể của tỉnh trong năm nay?


Ông Lê Thanh Quang: Chủ trương thành lập Đặc khu Hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong được Bộ Chính trị thông qua tại Kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012. Đây là mô hình với các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, nhất là chính sách về thuế, đất đai, hành chính… Cùng với các công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại của các quốc gia phát triển, sự hình thành Đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ tạo bước đột phá, mang lại nhiều lợi ích trong phát triển KT-XH cho tỉnh, góp phần quan trọng để Việt Nam có thể tham gia cạnh tranh ở cấp độ khu vực và quốc tế. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, hiện nay Đề án Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong đã hoàn thiện, đang được Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị thông qua.


Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong năm 2016, Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ cụ thể: Một là, tiếp tục kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm trình Bộ Chính trị thông qua Đề án thành lập Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong, là cơ sở để xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá tạo nên những thay đổi căn bản cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Hai là, chủ động tiếp cận, hỗ trợ, kêu gọi, xác định các nhà đầu tư chiến lược có đủ nguồn lực, kinh nghiệm, đã phát triển thành công các đặc khu kinh tế trên thế giới tham gia quy hoạch, xây dựng và xúc tiến các dự án đầu tư vào Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong. Ba là, triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ việc triển khai các dự án đầu tư tại đây, nhất là một số tuyến giao thông trục chính tại khu vực bán đảo Đầm Môn và dự án cấp nước cho khu vực… Sau khi đề án được thông qua, tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xúc tiến các bước thủ tục cần thiết để Đặc khu Kinh tế Bắc Vân Phong sớm hình thành theo đúng định hướng phát triển.


PV: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, xin ông cho biết chúng ta cần chuẩn bị những gì để chủ động hội nhập, nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức?


Ông Lê Thanh Quang: Trong năm 2015, nước ta đã kết thúc đàm phán và ký kết các hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Hàn Quốc. Việc tham gia các hiệp định này sẽ mang lại cho Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa nhiều cơ hội thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, nhưng cũng có không ít thách thức khó khăn cần phải nỗ lực để vượt qua. Vì vậy, để chủ động hội nhập, nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, trước mắt các cấp, ngành trong tỉnh cần tập trung:


Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin đầy đủ cho DN trong việc tiếp cận những cơ hội của thị trường mới với những thông tin mang tính đặc thù liên quan đến tập quán, văn hóa, những yếu tố thị trường và cả những thông tin về chính sách vĩ mô, tạo điều kiện vận dụng một cách linh hoạt và nhanh nhạy để đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường của các DN.


Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn… để phổ biến và thảo luận về các nội dung quy định trong các hiệp định thuộc thế hệ mới, nhằm giúp DN hiểu được những cam kết, nắm bắt được lộ trình cắt giảm thuế quan, nắm được biểu thuế suất ưu đãi xuất nhập khẩu của các thành viên, tạo điều kiện tốt nhất cho DN nghiên cứu tận dụng được các ưu đãi mà các hiệp định sẽ tạo ra.


Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư, hải quan, thuế, xây dựng, nhà đất… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các DN sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhằm thu hút mạnh nguồn vốn FDI đầu tư vào Khánh Hòa. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thường xuyên, đồng thời tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin theo nhu cầu của DN.


Song song đó, các DN trong tỉnh phải nghiên cứu kỹ thị trường để xác định lợi thế sản phẩm của mình về giá cả khi thuế suất nhập khẩu bằng 0%, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đầu tư sản xuất phù hợp, đảm bảo cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Mặt khác, cần có biện pháp củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nghiên cứu mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Nâng cao trình độ về ngoại ngữ để tự tin giao tiếp với các đối tác, sẵn sàng cho việc nghiên cứu học hỏi các kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của các nước tiên tiến và am hiểu các quy định trên thương trường quốc tế. Tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật từ các đối tác.


Về dài hạn, DN cần bám sát lộ trình và các quy định mở cửa thị trường của các hiệp định thuộc thế hệ mới để xây dựng dự án, kế hoạch đầu tư sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nghiên cứu thị trường, đối tác để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.


PV: Xin cảm ơn ông!


K.N (Thực hiện)