Nếu như bóng đá là môn thể thao đề cao tinh thần đồng đội, tính kỷ luật trên sân cỏ thì tâng bóng nghệ thuật (tên tiếng Anh là Freestyle football) lại là môn chơi thể hiện sự đam mê, mang đậm tính trình diễn cá nhân.
Nếu như bóng đá là môn thể thao đề cao tinh thần đồng đội, tính kỷ luật trên sân cỏ thì tâng bóng nghệ thuật (tên tiếng Anh là Freestyle football) lại là môn chơi thể hiện sự đam mê, mang đậm tính trình diễn cá nhân. Nhà vô địch tâng bóng nghệ thuật Việt Nam Bùi Việt Anh đã chia sẻ những điều thú vị về môn thể thao còn khá mới mẻ này.
Con đường trở thành nhà vô địch tâng bóng
Cách đây 7 năm, Bùi Việt Anh mong ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư điện thật giỏi, thành công trên con đường lập nghiệp để đỡ đần cho gia đình. Một ngày tình cờ, Việt Anh được xem các đoạn clip giới thiệu những động tác cùng với quả bóng tròn của các ngôi sao bóng đá thế giới như Falcao, Ronaldinho... Lúc ấy, chàng trai người Hà Tĩnh mới nhận ra ước mơ của mình chính là được sống với niềm đam mê trái bóng. “Khi nhìn thấy họ nhảy múa với trái bóng, tôi như bị mê hoặc và ước có một ngày mình được đứng giữa sân khấu rộng lớn, được biểu diễn những động tác ấy trước hàng nghìn khán giả”, Việt Anh tâm sự.
Nghĩ là làm, Việt Anh bắt đầu làm quen với bộ môn tâng bóng nghệ thuật bằng những động tác đơn giản nhất được học từ các đoạn clip. Thời gian đầu, việc tập luyện của anh chủ yếu vào những lúc tan trường, khi thì ôm trái bóng một mình ở phòng trọ, lúc lại ra công viên tập chung với một số bạn có cùng niềm đam mê “xiếc bóng”. Cũng như những sinh viên nghèo khác, Việt Anh vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, song hàng ngày, chàng trai trẻ vẫn không quên dành thời gian tập luyện cho thuần thục các động tác tâng bóng và thử sức với những động tác mới khó hơn.
Tập luyện được 3 - 4 năm, Việt Anh bắt đầu tham gia các giải đấu tâng bóng nghệ thuật nhỏ được tổ chức theo dạng hội nhóm, hay các vùng miền. Đến khi đi xin việc làm, Việt Anh chọn TP. Hồ Chí Minh vì anh biết ở đó đang chuẩn bị diễn ra một giải đấu tâng bóng nghệ thuật lớn và anh chờ đợi ngày được thử sức, thể hiện niềm đam mê của mình.
Năm 2013, tại Nhà Thi đấu thể thao Quân khu 7 diễn ra cuộc thi tâng bóng nghệ thuật với tên gọi “Clear Men - Thử thách tâng bóng 24h” thu hút hàng trăm thí sinh cả nước. Với màn biểu diễn xuất sắc trong đoạn clip được gửi cho Ban tổ chức trước đó, Việt Anh đã lọt vào tốp 24 thí sinh tham dự đêm chung kết. Tại cuộc thi này, anh kết hợp với 2 thí sinh khác là Hải Anh, Văn Long thành lập nhóm tâng bóng nghệ thuật Saigon Team. Và trong đêm thi chung kết “Clear Men - tâng bóng 24h” với tên gọi “Đêm rock tâng bóng 24h”, nhóm Saigon Team đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo và hàng vạn khán giả để đăng quang chức vô địch với phần thưởng trị giá 200 triệu đồng. “Giây phút ấy, tôi rất vui và hạnh phúc vì ước mơ trở thành nhà vô địch tâng bóng nghệ thuật đã thành sự thật”, Việt Anh nhớ lại.
Môn thể thao của sự đam mê, kiên trì
Nói đến tâng bóng nghệ thuật, chắc ai cũng nghĩ đây là môn thể thao nghệ thuật và người thực hiện được những động tác ấy phải có năng khiếu bẩm sinh. Tuy nhiên, qua những gì Việt Anh chia sẻ, để trở thành một “nghệ sĩ” trình diễn tâng bóng nghệ thuật, cần có niềm đam mê và sự kiên trì. Người chơi không chỉ có tình yêu với trái bóng, kỹ năng, kỹ thuật của một cầu thủ bóng đá mà còn phải biết làm xiếc, hay thậm chí biết cả... vũ đạo.
Ở nước ta, phong trào bóng đá đường phố phát triển khá mạnh, tuy nhiên tâng bóng nghệ thuật lại là môn mới, chỉ du nhập cách đây khoảng 6 năm. Nam The Men - nhà vô địch tâng bóng nghệ thuật châu Âu - được coi là người đưa bộ môn này vào Việt Nam, cũng là người đứng ra thành lập nhóm ATW, nhóm tâng bóng nghệ thuật đầu tiên và tiền đề cho sự phát triển môn thể thao này ở miền Bắc. Năm 2009, dưới sự tài trợ của Clear Men, giải tâng bóng nghệ thuật đầu tiên được tổ chức dành cho người yêu thích môn thể thao nghệ thuật này. Từ đó đến nay, đây được coi là sân chơi để những cầu thủ tâng bóng nghệ thuật thể hiện tài năng.
Để trở thành cầu thủ tâng bóng nghệ thuật, có rất nhiều động tác mà người chơi cần thực hiện thành thạo, tuy nhiên trước hết cần thực hiện được những động tác cơ bản như: footstall (cân bằng bóng trên mu bàn chân); neckstall (cân bằng bóng trên vùng cổ và phần đầu của lưng); cheststall (cân bằng bóng bằng ngực); headstall (cân bằng bóng bằng đầu)... Theo chia sẻ của Việt Anh, tập luyện tâng bóng nghệ thuật cũng giống như học môn khoa học, có những quy tắc mà người thực hiện nhất định phải theo. Chẳng hạn như động tác headstall, người chơi cần giữ thăng bằng sao cho bóng và đầu là một điểm và liên tục di chuyển theo bóng; hay động tác giữ bóng sau gáy, nguyên tắc mắt phải nhìn phía trước, vuông góc 90 độ với mặt nền, phần cổ ngẩng lên một chút để mắt được quan sát tốt, từ đó ở sau gáy có một điểm để giữ bóng. Chỉ cần 1 ngày kiên trì tập luyện các động tác này khoảng 10 lần, mỗi lần 3 - 10 phút tùy cường độ người tập thì có thể thành công.
“Điều quan trọng nhất của tâng bóng nghệ thuật là người chơi phải có tính kiên trì, niềm đam mê với trái bóng. Sau khi tập luyện thuần thục các động tác cơ bản, người chơi có thể tự sáng tạo ra những động tác mang thương hiệu riêng của mình”, Việt Anh chia sẻ.
An Nhiên
Sau danh hiệu vô địch tâng bóng nghệ thuật Clear Men 2013, Bùi Việt Anh cùng nhóm Saigon Team thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các sự kiện lớn ở khắp cả nước. Đến cuối năm 2013, sau một chuyến lưu diễn tại Nha Trang, nhà vô địch đã bắt đầu yêu mến và chọn vùng đất này làm nơi lập nghiệp cho đến nay. Ước mơ của Việt Anh là một ngày nào đó tổ chức được các lớp dạy môn tâng bóng nghệ thuật ngay tại phố biển để giới thiệu cho các bạn trẻ về môn thể thao còn mới mẻ này.