02:02, 11/02/2016

Gửi tình yêu vào... đá

Dù sưu tầm hay chế tác, những "nghệ nhân đá" đều có chung tình yêu mãnh liệt với đá.

Dù sưu tầm hay chế tác, những “nghệ nhân đá” đều có chung tình yêu mãnh liệt với đá.


Những gia tài đá


Mai Quốc Chinh (36 tuổi) - ông chủ cơ sở đá mỹ nghệ Tâm Lộc (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đến với đá không chỉ bằng tình yêu mà còn có dấu ấn của nghề. Những ngày làm việc tại cơ sở Bách Việt (Cụm công nghiệp Diên Phú), suốt ngày mài giũa, đánh bóng đá granit xây dựng, không biết tự khi nào anh bỗng mê... đá. Đến khi mở cơ sở riêng, anh Chinh mới đi sâu tìm hiểu về đá.

 

Ngày ngày ông Quý vẫn ngắm đá tìm triết lý nhân sinh
Ngày ngày ông Quý vẫn ngắm đá tìm triết lý nhân sinh


Anh Chinh kể: Ngày mở xưởng, tài sản của anh vỏn vẹn chỉ 1 triệu đồng đầu tư cho dụng cụ quan trọng nhất là chiếc máy mài. Vậy mà 2 năm sau (2013), Tâm Lộc đã có tiếng vang và giành giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Cơ sở chuyên chế tác các sản phẩm nghệ thuật hay đồ trang sức bằng đá quý, bán quý. Vòng đeo tay, mặt nhẫn, dây chuyền, tác phẩm đá nghệ thuật, phong thủy... là những sản phẩm hút hồn nhiều thương gia, người chơi đá trong Nam, ngoài Bắc. Qua tay người thợ, những khối đá vô tri, vô giác bỗng trở nên có hồn. Nhìn vào viên đá có tên Nụ hồng mới cảm nhận hết vẻ đẹp của đá qua bàn tay nghệ nhân. Nụ hồng làm bằng thạch anh hồng nguyên khối, đế bằng gỗ sao. Sau nửa tháng chế tác, chào hàng qua Viber, Yalo, tác phẩm nặng 42kg đã được một thương gia miền Bắc đồng ý mua với giá 18 triệu đồng. Đặc biệt ấn tượng là tác phẩm Việt Nam quê hương tôi bằng đá chancedony, giá 24 triệu đồng. Trên nền đá tự nhiên lộ rõ bản đồ Việt Nam hình chữ S như thôi thúc niềm tự hào dân tộc mỗi khi ngắm nhìn. Cũng bằng đá chancedony, nhưng viên đá mệnh danh bộ óc nhà bác học Albert Einstein nặng tới 800kg, trị giá 60 triệu đồng như bức bình phong sừng sững đặt ở cửa chính.

 

Ông Nguyễn Chín với bộ sưu tập đá “khủng”
Ông Nguyễn Chín với bộ sưu tập đá “khủng”

 
Sở hữu hàng trăm viên đá tự nhiên, ông Nguyễn Chín (tổ dân phố Phú Thứ, Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) trở thành nghệ nhân đá có bộ sưu tập khổng lồ với hơn 300 tác phẩm. Ông Chín cho biết, ông đã đi qua bao nhiêu con suối, dốc đá, đường mòn trên hành trình đam mê đá. Từ các huyện lỵ trong tỉnh đến đèo Ayunpa (Gia Lai) hay những con suối trong rừng Sông Hinh (Phú Yên) đều in dấu chân ông. Bộ sưu tập không chỉ bao gồm những viên đá đơn độc mà còn có những hòn non bộ, cây cảnh...

 

 


Còn ông Lê Công Quý (Vĩnh Phước, Nha Trang) lại được nhiều tờ báo, tạp chí nói về ông - “người đàn ông đá” này có trong tay bộ sưu tập với những tác phẩm xuất sắc như: Bộ linh thú biển (rùa, bò biển, cá heo, hải mã, chim cánh cụt), khối đá vàng viết bằng Hán tự “Thuận vật du tâm”, cánh buồm đá, thiền sư đá... Cũng như ông Chín, để thỏa lòng mê đá, ông Quý hàng tuần phải dành nhiều ngày lặn lội đến huyện miền núi Khánh Vĩnh để sưu tầm, lặn ngụp dưới sông, suối để “săn” đá và mất rất nhiều công lao để làm lộ rõ vẻ đẹp của đá.  


Chơi đá, luyện tâm


Với những người chơi đá, tuy đá vô ngôn nhưng hàm chứa bao triết lý diệu kỳ. Người có tâm nhìn đá phát hiện ra bao điều kỳ diệu. Anh Chinh cho biết, nhiều loại đá bán quý khi chế tác phải bóc lớp xỉ bên ngoài, đến phần lõi bên trong, gia công tạo dáng như ý rồi đánh bóng mới tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh. Để có tác phẩm đẹp, người thợ còn sáng tạo bộ đế phù hợp, làm tỏa sáng vẻ đẹp của đá. Anh Chinh chơi đá không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn là nơi dung dưỡng tinh thần, khí lực. Sau ngày làm việc mệt nhọc, ngồi nhâm nhi ly cà phê, ngắm đá, anh như thấy mọi mệt mỏi tan biến, tiếp tục công việc sáng tạo.

 

Dù sưu tầm hay chế tác, những “nghệ nhân đá” đều có chung tình yêu mãnh liệt với đá
 


Theo những nghệ nhân chơi đá tự nhiên, việc can thiệp của con người vào đá là điều không nên. “Đá là món quà vô giá của thiên nhiên, tồn tại hàng triệu năm. Do vậy, người chơi đá cần tôn trọng tính tự nhiên của đá”, ông Quý nói. Và để làm điều đó, ông Quý hàng ngày vẫn lau chùi, đánh bóng đá, ngồi hàng chờ chiêm nghiệm, suy ngẫm từ hình thù, màu sắc, vân đá muôn hình vạn trạng mà “ngộ” bao điều. Cảm động biết bao khi có người tri kỷ đến chơi, mê đá, ông tặng “bảo vật” của mình mà không hề so đo, tính toán. Thỉnh thoảng ông Quý bán được viên đá cũng là dịp vui để ông thết đãi bạn bè. Cũng có người đem đá ông tặng để đi thi và đoạt giải, ông cho đó là lẽ thường tình.

 

Dù sưu tầm hay chế tác, những “nghệ nhân đá” đều có chung tình yêu mãnh liệt với đá
Các viên đá đẹp của cơ sở Tâm Lộc
 

 

 

 

 

Còn “nghệ nhân đá” Nguyễn Chín xem đá như người bạn tinh thần tri kỷ, hàng ngày cùng bạn bè đàm luận về đá. Ông tham gia Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Ninh Giang - một câu lạc bộ quy tụ hơn 270 người, gồm rất nhiều bộ môn, từ đá cảnh, hoa cảnh đến chim cảnh, bon sai... và coi đây như là nơi chia sẻ tình yêu với thiên nhiên.


Phú Lâm