07:02, 10/02/2016

Cảm thức thiều quang

Có nhiều không? Hoặc có ít không? Khi vạn vật đẫm mình trong một trời thênh thang ánh sáng tinh khôi và thanh khiết của chín chục ngày xuân?

“... Ngày xuân con én đưa thoi


       Thiều quang chín chục...”


                                             (Kiều - Nguyễn Du)


Có nhiều không? Hoặc có ít không? Khi vạn vật đẫm mình trong một trời thênh thang ánh sáng tinh khôi và thanh khiết của chín chục ngày xuân? Ngày xuân có chín chục. Còn thiều quang có được bao nhiêu, có được những gì? Mà cứ khiến hồn người náo nức? Mà cứ khiến cung tơ rạo rực? Xuân, cũng khung trời ấy, nhưng dường đã cao hơn, xa hơn bởi những tươi xanh của ngút ngàn cỏ lá. Xuân, cũng mảnh vườn ấy nhưng dường đã tươi hơn, non hơn bởi những nồng nàn của ngào ngạt hương hoa. Trên khắp nẻo đường quê, đã nghe thiều quang rọi chiếu từng giọt sương trên cỏ mà lấp lánh một màu xuân tươi tắn. Trong từng ngõ phố phường, thiều quang ấm áp trên những mái ngói phủ kín rêu phong cho xênh xang những sắc Tết yên vui. Năng lượng dồi dào, cho nên xuân luôn là hiện thân của sức sống trào dâng. Có vậy, người xưa mới nói gái đương xuân; rồi lại ví lúa đương thì con gái.


Thi ca muôn thuở vẫn nhắc tới ánh xuân như một khúc tụng ca mầu nhiệm cho nguồn cảm hứng bất tận về sáng tạo, sinh sôi. Người ta nghe trong ánh xuân có cả nắng xuân nồng nàn, có cả sắc hoa rực rỡ và có cả ánh hồng kiêu sa trên đôi má người thiếu nữ. Ánh xuân phơi phới, cho hồn người thơ thới; với cỏ lá, hương hoa, với tình yêu, cuộc sống. Rồi, chợt nhận ra rằng, ngày xuân như thoi đưa, thấm thoát.


Có phải vậy không?


Sáng sớm tinh mơ. Một lũ chim sẻ nhỏ bay sà vào phòng. Ríu ra ríu rít. Dường đã quen nhau từ lâu lắm. Cô gái mơ màng nhìn chúng, người vẫn cuộn tròn trong chăn ấm. Ngày đã mới. Mùa đã mới. Nhưng cô cứ để lũ chim đánh thức tâm tưởng mình bằng những chuỗi âm thanh thật rộn ràng và trìu mến. Ôi! Những giấc mơ! Cô đã mơ về một thời quá vãng, với những mẩu ký ức nhọc nhằn, nhàu nhĩ cùng bừa bộn nỗi buồn vui. Cô đã mơ tới chốn vị lai, với những ánh hồng rực rỡ, tỏa rạng từ những dự định tốt lành mà chưa thể bày tỏ cùng ai. Dậy đi thôi, những giấc mơ! Cô gái khẽ vươn vai. Nắng lên, rọi những chùm ánh sáng lấp lóa trên vòng tay người thiếu nữ, mà không biết rồi phản chiếu về đâu. Cô đi bằng bước chân chim. Ra vườn. Ở đó, chợt có một nguồn sáng mạnh mẽ tự nơi đâu rọi xuống tâm hồn, khởi lên trong cô muôn tia hy vọng. Ô hay! Khi nãy, khi đàn chim chưa đánh thức, cô đang mơ hay là ngay bây giờ đây cô đang mơ? Bên cô vẫn rập rờn những cánh bướm bên hoa. Và đàn chim vẫn hồn nhiên hát những giai điệu ân cần của chúng. Bất giác, cô dừng lại trước một đóa hướng dương đương nở đúng thì, căng, và sắc.


Có ai đó nói ánh sáng là nhận thức. Hay nhận thức là con đường đi tới ánh sáng. Gì cũng được. Tôi không lạm bàn. Chỉ biết rằng, chữ minh trong Hán tự gồm hai bộ nhật và nguyệt ghép lại mà thành. Như vậy, theo cổ nhân, sáng tức là sức mạnh của cả mặt trời và mặt trăng cộng lại. Phải! Minh là sáng, sáng lắm, không gì có thể ngăn che được. Cho nên, nhà Phật mới nói minh nghĩa là giác ngộ. Còn vô minh là lạc lối, u mê. Lại bảo rằng, nhiều khi, người thông minh mà lại vô minh; người không thông minh nhưng lại minh. Đường về chân lý có nhiều người đi, nhưng không phải ai đi cũng tới được. Giác ngộ và vô minh; ánh sáng và bóng tối tưởng chừng rất khác nhau, tưởng như đối lập. Nhưng, nhớ thời đi học, bạn tôi có hỏi đèn sáng nhờ gì, tôi trả lời đèn sáng nhờ dầu, nhờ tim đèn, nhờ lửa... Bạn tôi lắc đầu, bảo sai bét, rồi quả quyết rằng đèn sáng là nhờ... bóng tối. Có vậy mới nói những đúng - sai; thiện - ác; cao trọng - thấp hèn ở đời cứ như hai mặt của một đồng tiền. Ánh sáng vô thường chiếu rọi vào đó trong mỗi sát-na. Cho nên, người thiếu tu dưỡng, rèn tập, người sống buông thả, vị kỷ dễ có nguy cơ ngay lập tức từ sáng trở nên tối; từ thiện biến thành bất thiện; từ minh hóa nỗi vô minh.


Ai đó còn bảo rằng ánh sáng tượng trưng cho một thế lực mạnh mẽ vô song, có đầy đủ quyền năng ban tặng cho ta sự sống và sẵn sàng lấy đi của ta chính sự sống ấy. Hạt giống cây vùi dưới đất, trong bóng tối cứ vươn ra ánh nắng mặt trời mà lớn lên, mà sinh sôi, nảy nở; một ngày kia, ánh nắng mặt trời thiêu đốt nó, hủy diệt nó, rồi trả nó trở về với đất. Qua nghiên cứu, nhiều nhà tâm lý nhận thấy những hình ảnh, màu sắc sáng sủa thường tạo cho con người một cảm giác thư thái, sảng khoái; dễ nâng hồn mình lên tầm cao hơn. Ngược lại, những hình ảnh đen tối, với những sắc màu u ám thường tạo cho con người cảm giác bất an, sợ hãi, dễ lâm trầm uất, hoang mang. Có lẽ, cũng bởi chính yếu tố tâm lý này mà ánh xuân huy hoàng luôn mang đến cho chúng ta một niềm hứng khởi thật đủ đầy để sống mạnh mẽ, khoáng đạt và bao dung. Phải chăng, ấy là một nét thể hiện của mối quan hệ hằng hữu và huyền bí giữa tạo vật và con người?


Cho tới giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh đóm lửa que diêm mong manh giữa buốt giá của cô bé bán diêm trong một câu chuyện cổ ngày xưa. Một que diêm bé bỏng giữa bốn bề tuyết lạnh nhưng nó thắp lên trong tâm hồn cô bé mồ côi tội nghiệp bao nhiêu mơ ước trước một năm mới đang tới rất gần. Hiện thực và mộng tưởng đối lập nhau sao tới mức quá phũ phàng. Giữa băng giá, đói khát và cô độc, cô bé mơ có lò sưởi ấm áp, có ngỗng quay thơm phức, có cây thông Noel lộng lẫy và có cả người bà rất mực yêu quý của mình. Để rồi hai bà cháu cầm tay nhau bay vụt lên cao, cao mãi. Cô bé đã được giải thoát, được về sống với yêu thương, với đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười giữa bốn bề tuyết lạnh.


Ánh lửa que diêm vụt sáng lên, vụt đem đến cho cô bé những giấc mơ lung linh, trong một thế giới ảo mộng, nhưng nó đã để lại trong nhân gian vĩnh hằng một thông điệp tha thiết về tình người, về tấm lòng sẻ chia cùng thế giới thơ trẻ.


Nói tới đây, tôi lại nhớ tới một nguồn sáng nữa. Đó là sức nóng của một hỏa diệm sơn từ ngọn lửa trái tim Đan Kô can trường. Trong đầm lầy đầy bóng tối và sự sợ hãi, không thấy lối ra, chàng đưa tay xé toang lồng ngực, lấy trái tim mình giơ cao trên đầu. Trái tim cháy sáng rực rỡ như mặt trời, chế ngự sự đe dọa của tự nhiên; xóa tan sự sợ hãi trong lòng người. Cả đoàn người mạnh mẽ bước theo Đan Kô, theo ánh lửa soi sáng từ trái tim chàng. Rồi bóng tối lùi dần; thảo nguyên hiện ra, chan hòa ánh sáng và mênh mông sự sống. Chàng nhìn thảo nguyên, nhìn đoàn người rồi nở một nụ cười rạng rỡ...


Đan Kô yêu quý những người hằng là máu thịt của chàng. Chỉ có tình yêu thật chân thành, thật dữ dội mới có thể cháy lên ngọn lửa thật diệu kỳ và kiêu hãnh đến vậy.


Lại nói về cô gái trẻ có thật nhiều giấc mơ. Cô đã cùng nhiều người bạn cố gắng in ấn những quyển kinh Phật giáo như: Pháp Hoa, Dược Sư, Vu Lan, Nhật Tụng, Bát Nhã… bằng chữ braille để những người mù có thể đọc được và tụng niệm, trì chú ngay tại nhà mình. Ai đó nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nói vậy thì, hóa ra với những người khiếm thị, tâm hồn của họ bị đóng cửa thật rồi sao? Không! Không thể tả hết cảm xúc của những người khiếm thị khi đặt tay lên những ô chữ sần sùi trên trang sách mà cảm nhận được hơi ấm của lẽ sống ở đời; nghe được những lời dạy tu thân, tích đức, làm việc thiện giúp người, giúp đời... Nhiều người đã khóc vì quá xúc động. Nước mắt thấm đẫm những dòng chữ nổi. Họ đã tìm thấy ánh sáng từ trong bóng tối. Và họ đang đi từ bóng tối ra ánh sáng. Ánh sáng ở đây không phải do mặt trời, mặt trăng chiếu đến mà xuất phát từ trí tuệ, từ sự tu tập của người thiện tâm. Nhà Phật gọi ấy là vô lượng quang. Thiều quang, ánh sáng từ trời, rọi vào hồn người mà xua tan u hoặc. Vô lượng quang, ánh sáng từ người, chiếu tới chân tâm mà thắp ngọn tinh anh. Quý giá vô ngần!


Từ đây, những người khiếm thị ấy nhìn lẽ đời, lẽ đạo không bằng đôi mắt, mà bằng cả một trái tim, cả một tấm lòng.


Tôi trở về thăm khu vườn cũ. Cỏ hoa vẫn đó. Chim muông vẫn đó. Nhưng lối nhỏ đã phủ đầy cỏ dại, đìu hiu, không dấu chân người. Hỏi ra, cô gái đã lên phố, đồng hành cùng những người khiếm thị, giúp họ chuyển hóa những nỗi muộn phiền mà tự tin, mạnh mẽ bước lên phía trước.


Tôi vô cùng cảm kích. Và gọi ấy là hành trình đi về cõi sáng.


Nha Trang, trước thềm xuân Bính Thân 2016


. Tùy bút của Phong Nguyên