Tháng 9-2012, Khánh Hòa được chọn làm địa điểm tổ chức giải cờ tướng đồng đội toàn quốc. Trải qua những trận đấu kịch tính với các kỳ thủ bậc nhất toàn quốc, lần đầu tiên, Khánh Hòa có 2 kỳ thủ lọt vào hạng A1 quốc gia.....
Tháng 9-2012, Khánh Hòa được chọn làm địa điểm tổ chức giải cờ tướng đồng đội toàn quốc. Trải qua những trận đấu kịch tính với các kỳ thủ bậc nhất toàn quốc, lần đầu tiên, Khánh Hòa có 2 kỳ thủ lọt vào hạng A1 quốc gia (36 kỳ thủ hàng đầu toàn quốc) và 10 kỳ thủ khác được xếp hạng cấp 1 quốc gia. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để có được điều ấy là cả một câu chuyện dài…
Nhân tài thực học
Còn nhớ cách đây khoảng 7 năm, Nguyễn Thành Bảo (biệt danh Tây Độc), cao thủ hạng nhất của cờ tướng Việt Nam ra Nha Trang, chấp bác sĩ Trần Cẩm Long đi trước 2 tiên, chấp kỳ thủ Dương Đức Trí một mã cũng có thể giành thắng lợi. Nói như vậy để thấy, lúc ấy, trình độ của các kỳ thủ Khánh Hòa còn rất hạn chế, bói cả ngày cũng chẳng tìm ra được một người đạt đẳng cấp A1 toàn quốc. Thế nhưng, thời gian trôi qua, trình độ của các kỳ thủ ở Khánh Hòa cũng dần tăng tiến và có thể tiệm cận vào hàng “võ lâm cao thủ”, mà minh chứng rõ nhất là kết quả khá tốt tại giải vô địch cờ tướng toàn quốc 2012 vừa được tổ chức tại Nha Trang.
20 kỳ thủ đủ lực để tham gia giải đồng đội toàn quốc. |
Đối với làng cờ, giải cờ tướng đồng đội như là một dịp “ấn chứng võ công” chính thức, bởi nếu được phong cấp A1 thì ngoài việc được hưởng chế độ của Nhà nước, họ còn được vinh dự bởi sự ghi nhận của giới cờ tướng cả nước. Tại giải lần này, các đoàn đều cử những cao thủ hạng nhất của mình. Mỗi người một vẻ nhưng ai nấy đều có những tuyệt kỹ. Trong không khí “ngọa hổ tàng long” ấy, đoàn Khánh Hòa cũng đã cử ra những kỳ thủ có phong độ xuất sắc nhất. Khác với những năm trước, việc cử kỳ thủ tham dự chỉ do ý kiến của một vài cá nhân. Lần này, cờ tướng Khánh Hòa có sự chuẩn bị khá chu đáo khi tổ chức 2 vòng thi tuyển. Trải qua 2 đợt kịch chiến, 20 cao thủ có thứ hạng cao nhất mới được trao tấm vé bước vào “vũ môn” để thi triển võ công. Chân tài thực học nên lần thi đấu này, các kỳ thủ đã gây khá nhiều bất ngờ cho làng cờ cả nước. Ngay từ ván đầu tiên, cánh chim đầu đàn của làng cờ Khánh Hòa, bác sĩ Trần Cẩm Long với lực cờ sắc bén đã đả bại tay cờ khét tiếng Bùi Dương Trân (Bình Dương). Tiếp đó, anh thủ hòa thành công trước 2 đại cao thủ hàng đầu của làng cờ Việt Nam là Trịnh A Sáng và Nguyễn Trần Đỗ Ninh (đều của TP. Hồ Chí Minh), để rồi khi kết thúc giải anh đã đạt cấp A1 và có thứ hạng cao nhất trong các kỳ thủ Khánh Hòa tham dự giải. Một cao thủ khác, “thiếu hiệp” Lưu Minh Hiệp cũng có những ván đấu cực kỳ ấn tượng trước giới “võ lâm cao thủ”. Anh chính là hiện tượng đặc biệt của làng cờ Khánh Hòa lần này khi liên tiếp hạ gục các tay cờ hạng A1 như Bùi Quyết Thắng, Vũ Hữu Cường, Nguyễn Anh Hoàng…Lực cờ của Lưu Minh Hiệp tuy không công sát dữ dội nhưng có độ ổn định rất lớn. Khi vào giải, trước những đối thủ mạnh hơn và quyết máu ăn thua, anh đều bình tĩnh hóa giải những đợt tấn công của đối phương, rồi tận dụng những ưu thế rất nhỏ để giành chiến thắng. Với chuỗi thành tích vang dội, anh đã sớm đạt chuẩn A1 khi giải vẫn còn 1 vòng đấu.
Bác sĩ Trần Cẩm Long xuất sắc thủ hòa với cao thủ Nguyễn Trần Đỗ Ninh (TP. Hồ Chí Minh). |
Nhiều kỳ thủ khác của Khánh Hòa cũng có những ván đấu được đánh giá là “kinh thiên động địa” khi chiến thắng những kỳ thủ được xếp hạng cao hơn mình rất nhiều. Chẳng hạn như kỳ thủ Lê Văn Ngàn có chiến thắng vang dội trước Nguyễn Hoàng Lâm (Bình Dương) - tay cờ có tiếng, thường xuyên nằm trong tốp A1 quốc gia, có lực cờ rất mạnh - làm nức lòng giới hâm mộ cờ tướng tỉnh nhà. Hoặc Nguyễn Công Chương cũng gây khó dễ cho rất nhiều cao thủ khác. Nhìn những nước cờ của anh, nhiều cao thủ cũng thầm khâm phục nhưng rất tiếc trong lần thi đấu này, do thiếu sự chuẩn bị chu đáo, anh tỏ ra hụt hơi ở những thời khắc then chốt. Một trường hợp đáng tiếc khác là kỳ thủ Dương Đức Trí. Xét về lực cờ, anh xứng đáng là một trong những kỳ thủ hàng đầu của làng cờ Khánh Hòa với lối đánh dũng mãnh nhưng cũng rất thông minh, đặc biệt là khả năng phòng thủ rất tốt. Trong nhiều trận công đài với các cao thủ cả nước tại kỳ đài Ri Chicken, nhiều ván cờ rơi vào thế hạ phong, thế nhưng anh vẫn có những chiêu phòng thủ cực “dẻo” khiến những danh kỳ như Nguyễn Thành Bảo, Trịnh A Sáng, Trương Á Minh… phải lắc đầu ngao ngán. Tuy nhiên tại giải lần này, một số trận đầu, anh chọn nhầm phương hướng chiến lược nên bị top đầu dẫn quá xa, đến khi tung hết công lực với 5 ván thắng liên tiếp, anh cũng chỉ đủ điểm đạt vận động viên cấp 1. Tuy nhiên, qua thực lực và những gì anh thể hiện, chắc chắn trong kỳ “đại hội” tới, anh sẽ sớm lọt vào nhóm kỳ thủ mạnh nhất nước.
Khổ luyện mới thành tài
Tại buổi trao giải, Khánh Hòa có 2 vận động viên đạt chuẩn quốc gia. |
Theo nhận xét của những kỳ thủ hàng đầu Việt Nam đã từng thi đấu với làng cờ Khánh Hòa thì lực cờ của kỳ thủ tỉnh nhà không phải xoàng. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của họ vẫn là tâm lý khi thi đấu và kinh nghiệm thực chiến. Tuy lực cờ vẫn ổn nhưng khi gặp cao thủ, họ thường có tâm lý không thể thắng nên khi vào thi đấu luôn e sợ, không dám mạo hiểm; vào thời điểm căng thẳng, họ thường xuất hiện những nước đi non, dẫn đến đang thế thắng lại bị hòa hoặc thua. Vài năm trở lại đây, giới kỳ thủ Khánh Hòa đã biết sử dụng đến phần mềm cờ tướng để trau dồi khả năng. Cái hay là phần mềm luôn đi chính xác nên kỳ thủ có thể dựa vào đó để kiểm chứng nước đi của mình. Nhưng điều đó là chưa đủ, bởi khi đối đầu với các đại kình địch bằng xương bằng thịt, kinh nghiệm thực chiến mới là điều quan trọng. Chẳng hạn, những kỳ thủ số 1 Việt Nam như Thành Bảo, Hoàng Lâm, Lý Huynh có thể đi những nước không có trong sách vở hay máy tính, nếu không có kinh nghiệm thực chiến, người chơi rất dễ đi những nước cờ non khiến cách bố trí trận pháp trở nên mất cân bằng và đó sẽ là tử huyệt để đối phương khai thác.
Trở lại với làng cờ Khánh Hòa, 2 điểm yếu trên cứ tồn tại dai dẳng khiến các kỳ thủ cứ hễ bước ra vũ đài toàn quốc là thi đấu dưới sức mình, dù rằng trong giải đấu, một vài kỳ thủ có thể đánh bại cả những tên tuổi sừng sỏ của làng cờ cả nước. Trước tình hình đó, một số người có tâm huyết đã lập ra kỳ đài để làm nơi rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực chiến cho các kỳ thủ. Nổi bật là Câu lạc bộ Cờ tướng Ri Chicken tại đường Bạch Đằng, Nha Trang. Cứ mỗi tuần, các kỳ thủ sẽ gặp nhau bằng hình thức công đài mà các ván đấu luôn căng thẳng và hấp dẫn. Ngoài ra, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Duy Phong còn thường xuyên mời các kỳ hữu hàng đầu cả nước về tham dự kỳ đài. Chính nhờ môi trường thường xuyên va chạm đó mà kỳ nghệ của các kỳ thủ Khánh Hòa đã nâng lên rõ rệt; tâm lý tự ti của các kỳ thủ cũng dần bị đẩy lùi.
Bao giờ hóa rồng?
Bây giờ, các kỳ thủ của Khánh Hòa đã nỗ lực để tự nâng cao “nội lực”. Xét về lực, họ rất có tiềm năng, những cái tên như Trần Cẩm Long, Dương Đức Trí, Nguyễn Công Chương… hoàn toàn có thể so tài với các cao thủ hàng đầu, nhưng họ vẫn còn thiếu một “cú hích” để đạt đến cảnh giới cao hơn. Cú hích đó là sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Điều này đã từng xảy ra ở các địa phương như Bình Dương, Vũng Tàu… Các kỳ thủ ở đó được trả lương, được tổ chức, huấn luyện bài bản nên gặt hái nhiều thành công cho tỉnh. Cho nên, nếu được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho các vận động viên yên tâm thi đấu, tin rằng, trong tương lai không xa, “cá chép sẽ hóa rồng”, làng cờ Khánh Hòa sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong làng cờ cả nước.
Dương Tiễn