18:41, 21/12/2023

Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06

THÀNH LONG

Chiều 21-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố.

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Tại điểm cầu Khánh Hòa có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án 06, có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong 2 năm qua, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh điện từ (VNeID) đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn, như: 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại)… Đồng thời, thực hiện dịch vụ công thiết yếu trên ứng dụng VNeID và sử dụng các giấy tờ tích hợp trên VNeID theo quy định.

Tại Khánh Hòa, 2 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, thành viên Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo được sự ủng hộ, đồng tình của người dân trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 21-6-2023, tỉnh đã cơ bản hoàn thành cấp CCCD cho 100% người đủ điều kiện và hoàn thành chỉ tiêu cấp 756.805 tài khoản VNeID. Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 1.162.884 hồ sơ CCCD; 891.888 hồ sơ tài khoản VNeID, trong đó đã kích hoạt 776.460 tài khoản; từ ngày 10-10-2023, tỉnh đã đưa Ứng dụng Công dân số tỉnh Khánh Hòa vào sử dụng; triển khai thực hiện Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh; giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ cho 1.918 lượt người dùng và khách hàng sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các kênh thông tin hỗ trợ…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an đã thể hiện trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện Đề án 06 và sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. Về phương hướng, nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai thực hiện Đề án 06, đạt tiến độ đề ra. Đối với nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một số địa phương cần sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội cho các đối tượng không dùng tiền mặt; các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 còn chậm so với tiến độ; một số tỉnh, thành phố cần sớm triển khai việc miễn, giảm phí và lệ phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến,…

THÀNH LONG