11:17, 21/12/2023

Khánh Sơn: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông

GIANG ĐÌNH

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Khánh Sơn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường, xây cầu mới, tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương được thuận tiện hơn. Địa phương xác định, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Mở đường mới

2 xã Sơn Lâm và Thành Sơn nằm ở phía cực tây của huyện, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai thác lâm sản. Điều kiện thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để trồng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao nên có triển vọng trong việc giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc vận chuyển nông sản, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn do đường nhỏ hẹp, chất lượng mặt đường xuống cấp. Một số khu sản xuất nông nghiệp chưa có đường giao thông, hoặc đường chưa có công trình cầu vượt suối nên việc đi lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ hàng năm.

Khởi công dự án tuyến đường từ thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đi thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Ảnh: Bích La.
Thi công đường từ thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đi thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Ảnh: Bích La.

Năm 2023, Khánh Sơn đã thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã Sơn Lâm đi Thành Sơn. Đây là một trong những dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân địa phương, giúp hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường kết nối giữa 2 xã; thực hiện công trình giao thông cấp III với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,7km, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m, nền đường rộng 6,5m, theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi; tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng. Trên tuyến đường sẽ xây dựng mới 2 cây cầu qua suối Ko Róa và cầu Apa1 qua sông Tô Hạp. Công trình hoàn thành sẽ giúp 1.125 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thụ hưởng và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân...

Công trình xây dựng đường từ thị trấn Tô Hạp đi thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp) cũng đang được huyện triển khai thi công. Đường có đoạn đầu tiếp giáp Tỉnh lộ 9 (gần chùa Khánh Sơn), đoạn cuối ở khu vực cầu treo xã Sơn Hiệp, với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Đây là công trình góp phần nâng cao khả năng liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa. “Lâu nay, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản từ thôn Hòn Dung đến thị trấn Tô Hạp phải đi qua cầu treo Sơn Hiệp ra Tỉnh lộ 9, nhưng lối đi này chỉ đi được bằng xe máy, còn di chuyển bằng xe ô tô phải đi đường vòng tương đối dài. Sau khi tuyến đường mới từ thôn Hòn Dung đi thị trấn Tô Hạp hoàn thành sẽ giải quyết được khó khăn tồn tại bao nhiêu năm nay ở địa phương”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.

8/9 dự án đang được triển khai 

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Khánh Sơn, trong năm 2023, địa phương đã triển khai thi công nhiều công trình cầu, đường, kè sông Tô Hạp nằm trong danh mục dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể, có 9 dự án thuộc chương trình, gồm: Đường từ cầu tràn Suối Lớn xã Ba Cụm Nam đến xã Ba Cụm Bắc (giai đoạn 2); cầu Hợp Tác (xã Ba Cụm Bắc); đường liên xã Sơn Lâm đi xã Thành Sơn; tuyến đường từ thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) đi thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình); tuyến đường từ thị trấn Tô Hạp đi thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp); nâng cấp, mở rộng đường liên xã Sơn Bình đi xã Sơn Hiệp; xây dựng đường từ thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc đi thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); kè chống sạt lở sông Tô Hạp, đoạn qua xã Ba Cụm  Bắc, thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung; kè chống sạt lở sông Tô Hạp, đoạn qua xã Sơn Lâm và xã Thành Sơn. Trong đó, đã có 8 công trình được triển khai thi công để kịp hoàn thành tiến độ trong năm 2025.

Nhìn chung, đây đều là những công trình mang tính cấp thiết đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp huyện mở rộng, nâng cấp hệ thống cầu, đường giao thông ngày càng hoàn thiện hơn; khắc phục tình trạng xói lở bờ sông Tô Hạp ở những đoạn xung yếu. Khi những công trình này hoàn thành sẽ góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của người dân. Những dự án cải tạo và xây dựng mới các công trình hạ tầng còn nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện. Từ đó, giảm chi phí sản xuất do rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. 

GIANG ĐÌNH