22:20, 12/09/2024

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

TRẦN THỊ NGỌC ÁNH

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh, đội ngũ cán bộ các cấp đã từng bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những kết quả tích cực

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghị quyết, quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nói riêng được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; kịp thời cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nổi bật như: Kế hoạch số 103, ngày 17-10-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án số 07, ngày 21-11-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Quy định số 522, ngày 27-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ; Quy định số 910, ngày 26-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định số 753, ngày 8-2-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 1077, ngày 17-1-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 1197, ngày 7-3-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; Quy định số 1384, ngày 8-8-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp trực thuộc tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp trực thuộc tỉnh. Ảnh: Xuân Thành

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh, đội ngũ cán bộ các cấp đã từng bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới… Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng; coi trọng chất lượng, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, đồng bộ, liên thông, đúng quy định, thẩm quyền trong công tác cán bộ; ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, công tác tuyển dụng ngày càng thực chất và chặt chẽ hơn; thực hiện nghiêm các quy định chung của Đảng, Nhà nước trong tuyển dụng công chức, viên chức để tìm kiếm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh, chỉ tiêu biên chế để xây dựng kế hoạch tuyển dụng và tuyển dụng theo quy định; các cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn vị trí theo quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tuyển dụng, tiếp nhận 245 công chức; trong đó, thi tuyển 154 người, tiếp nhận không qua thi tuyển 91 người; tuyển dụng, tiếp nhận 1.197 viên chức, trong đó, tuyển dụng 1.042 người, tiếp nhận không qua thi tuyển 155 người.

Công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực về nội dung, phương pháp so với trước đây; từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quá trình đánh giá cán bộ, các cấp ủy đã kiểm điểm nhiệm vụ, công tác hàng năm gắn với kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Cùng với đó, nhằm lựa chọn, sắp xếp cán bộ “đúng và trúng”, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm - đây là lần đầu tiên việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể được thể chế hóa thành quy định. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, công tác giao nhiệm vụ trọng tâm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã góp phần nâng cao tinh thần chủ động, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung để tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp, khó khăn ở ngành, lĩnh vực, địa phương; nhiều nhiệm vụ khó được giao và hoàn thành đạt và vượt kế hoạch, góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Công tác quy hoạch cán bộ được coi trọng và thực hiện tốt ngay từ khâu phát hiện, giới thiệu nguồn, vừa bảo đảm được chất lượng, tính khả thi trong quy hoạch, vừa bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhất là với cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ là người dân tộc thiểu số. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết quả quy hoạch cán bộ của tỉnh từ cấp xã đến các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đạt được một số kết quả nổi bật như: Hệ số quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy ở các cấp đều đảm bảo theo quy định; tỷ lệ cán bộ trẻ trong quy hoạch cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 31%, tăng 6% so với nhiệm kỳ 2020 - 2025; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 43%, tăng 6% so với nhiệm kỳ 2020 - 2025; tỷ lệ cán bộ trẻ trong quy hoạch cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 30%, tăng 3% so với nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Công tác bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ các cấp đã có những đổi mới quan trọng, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Đảng. Việc bổ nhiệm cán bộ đã gắn với công tác luân chuyển cán bộ; chú trọng tới đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và có cơ cấu hợp lý nhằm chuẩn bị một bước nhân sự cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Các quy định, quy trình về công tác cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, chặt chẽ, khách quan, đúng thẩm quyền, đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ các khâu của công tác cán bộ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, để có cơ sở lựa chọn, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với rà soát, bổ sung, hoàn thiện đề án vị trí việc làm cho phù hợp với tình hình mới hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1384, ngày 8-8-2024 về tiêu chuẩn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (thay thế Quy định số 21, ngày 17-7-2020); trong đó, quy định đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt cần có tiêu chuẩn rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn công tác theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26, ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: “Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã luân chuyển 77 đồng chí; trong đó, cấp tỉnh 11 đồng chí; cấp huyện 59 đồng chí; cấp xã 7 đồng chí; bổ nhiệm 135 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 258 cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, căn cứ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương, nhu cầu của các cơ quan, đơn vị và yêu cầu của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Tại tỉnh Khánh Hòa, 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên, trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị, có năng lực thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban, đơn vị cấp tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh cơ bản đều đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh theo quy định hiện hành về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, cụ thể hóa Quy định số 114, ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 2831, ngày 5-12-2023 về quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 114, trong đó yêu cầu rà soát việc bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan quy định tại khoản 5, Điều 6 Quy định số 114 để có phương án sắp xếp, bố trí lại theo thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện khoản 5, Điều 8 Quy định số 114 của Bộ Chính trị, trong đó lưu ý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương khi có thông báo nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách phải báo cáo và được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy).

Bên cạnh những ưu điểm, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu có mặt còn hạn chế, đôi khi chưa thật sự chủ động, sáng tạo; một số cán bộ, đảng viên thiếu tính tự giác trong học tập, rèn luyện, thiếu tinh thần học hỏi, cầu tiến bộ, nâng cao năng lực và trình độ bản thân; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương, giảm sút về phẩm chất đạo đức, lối sống. Công tác đánh giá cán bộ ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

Cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp

Từ thực tiễn công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của tỉnh thời gian qua, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Kế hoạch số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy trình, quy định các khâu trong công tác cán bộ; tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ bởi đánh giá cán bộ là khâu then chốt của công tác cán bộ, nhất là công tác đánh giá cán bộ theo tiêu chí, sản phẩm cụ thể, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ ba, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, làm cơ sở để đề xuất tổng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2026 - 2031.

Thứ tư, quán triệt, thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, của tỉnh về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất về công tác cán bộ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng chức vụ được giao để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm theo Thông báo số 20, ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 01, ngày 27-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật, kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao phẩm chất, trình độ, kiến thức và năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức; thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức, gương mẫu, khách quan, công tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

TRẦN THỊ NGỌC ÁNH

(Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa)