Kỳ cuối: Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng phát triển
Nghị quyết số 09 Bộ Chính trị, Nghị quyết 55 của Quốc hội đang được Khánh Hòa thực hiện mạnh mẽ, cùng với đó là việc tổ chức thành công Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023 đã tạo bệ phóng vững chắc cho khát vọng phát triển của tỉnh. Song, khát vọng ấy có được hiện thực hóa hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp tục khuyến khích đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng như các định hướng của tỉnh trong thời gian tới.
Lấy yếu tố con người làm nền tảng
Có thể thấy, với 2 năm liên tiếp có mức tăng trưởng trong nhóm cao nhất cả nước, Khánh Hoà đã có bước tiến dài trong việc phát triển kinh tế là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy thực sự để lại dấu ấn hết sức rõ nét. Việc luân chuyển, điều động cán bộ cũng như khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm và đổi mới phương thức lãnh đạo đã thực sự tạo ra hiệu quả bước đầu. Vậy nhưng, để phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ vẫn được xác định mang tính then chốt.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toàn kiểm tra các công trình trọng điểm. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Quốc Trị cho biết, trong thời gian tới, ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó, sẽ rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Cụ thể hóa, đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện chặt chẽ quy định, quy trình công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ đối với cán bộ. Bên cạnh đó, vấn đề thu hút, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi ở trong nước và nước ngoài, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng sẽ được chủ động hơn.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng sẽ thực hiện nghiêm quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Cơ quan sử dụng cán bộ phải quản lý cán bộ chặt chẽ, hiệu quả; người đứng đầu chịu trách nhiệm chính về quản lý cán bộ theo phân cấp. Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ, kịp thời thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cùng lãnh đạo sở, ngành, địa phương kiểm tra các dự án đang thi công. |
Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, tạo sức bật trong thực thi công việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy trình, các khâu, các bước công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển, xây dựng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Triển khai thực hiện tốt việc cho từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ và chế độ thi đua, khen thưởng theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, làm cơ sở để đề xuất tổng biên chế của hệ thống chính trị tỉnh giai đoạn 2026 - 2031. Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ…
Tạo sức bật trong phát triển kinh tế
Với những thay đổi trong công tác cán bộ, lề lối làm việc, kinh tế Khánh Hòa từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thực sự có sự phát triển mạnh mẽ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Thời gian vừa qua, Khánh Hòa đã không chỉ hoàn thành các quy hoạch quan trọng của tỉnh mà còn xây dựng hàng loạt quy hoạch bộ phận. Đặc biệt, đà tăng trưởng kinh tế năm 2022, 2023 và nửa năm 2024 của Khánh Hòa nổi lên không như một sự lóe sáng bất chợt mà thực sự là dấu hiệu “chuyển làn”, hay đúng hơn, xu thế “đảo phách, đổi nhịp” cho sự phát triển của tỉnh. Có được sự bứt phá này là sự nỗ lực vượt bậc của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua”.
Mặc dù vậy, những gì đạt được chỉ mới là thành công bước đầu trong hiện thực hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Để hoàn thành các mục tiêu của Bộ Chính trị giao, bên cạnh cạnh cơ chế khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên, còn là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nhằm xây dựng Khánh Hoà trở thành đô thị năng động, đẳng cấp.
Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo tỉnh khởi công đường liên vùng. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tình hình sẽ có những thuận lợi và thách thức đan xen. Trung ương sẽ có những quyết sách, chủ trương, biện pháp hiệu quả hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/QH/2022 của Quốc hội trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Kinh tế sẽ chịu tác động mạnh bởi nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. “Trước bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ cuối nhiệm kỳ khóa XVIII. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể đối với các chỉ tiêu hiện chưa đạt và khó đạt theo Nghị quyết Đại hội XVIII (như chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội…). Chú trọng đề ra và triển khai giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Thành phố Nha Trang đang đổi thay từng ngày. |
Cũng theo theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới tư duy, cách làm, tăng cường nghiên cứu những kiến thức mới, cách làm hay của các bộ, ngành Trung ương, địa phương khác trong cả nước, chủ động xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; triển khai những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khu kinh tế Vân Phong sẽ là động lực cho phát triển của tỉnh trong thời gian tới. |
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025 và tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, thời gian tới, UBND tỉnh xác định sẽ tập trung phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng trí thức và công nghệ cao, tạo điểm tựa vững chắc cho sản xuất; phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, tiếp tục phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển trọng tải lớn tại Vân Phong và Cam Ranh tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; kêu gọi đầu tư dự án kho chứa khí hóa lỏng, điện gió, điện mặt trời. Đồng thời, vấn đề phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thu hút nhà đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Một góc huyện Cam Lâm. |
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, nhất là các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong và Đô thị mới Cam Lâm. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo phân cấp, đúng thẩm quyền quy định. UBND tỉnh cũng xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, 2025; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.
Từ các định hướng của lãnh đạo Chính phủ, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh có thể thấy, để sớm đưa Khánh Hòa phát triển vươn tầm trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cùng với các giải pháp đột phá về chính sách, về công nghệ, về thị trường hay về nguồn vốn…thì tựu trung con người được xem là yếu tố vô cùng quan trọng. Đã đến lúc cần tiếp tục khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, công chức một cách quyết liệt hơn nữa. Chỉ có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh mới đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH: Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Để Khánh Hòa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh, tỉnh cần nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá và bố trí nguồn lực hợp lý để dẫn dắt, thu hút, đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng động lực, các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh. Lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị, nhân lực…) là quan trọng và đột phá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ một cách quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt, liên tục, toàn diện; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên toàn tỉnh, đưa Khánh Hoà vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Khánh Hòa phải phát triển đột phá trong những năm tới, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng và cả nước. Tỉnh cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác cán bộ.
ĐÌNH LÂM - VĂN KỲ
Kỳ 1: Ngăn bệnh sợ trách nhiệm
Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực từ công tác cán bộ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin