Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Khánh Hòa hiện quản lý, bảo vệ tuyến biên giới biển dài hơn 116km với nhiều đảo, đầm, vịnh và cảng biển. Những năm qua, trên dặm dài tuyến biên giới biển này đã có biết bao câu chuyện nghĩa tình giữa cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh và nhân dân địa phương. Khi ý Đảng, lòng dân cùng một nhịp, tình quân dân gắn bó như “cá với nước” đã tạo ra nền tảng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.
Kỳ 1: Đi dân nhớ, ở dân thương
Không biết bao nhiêu lần, khi chúng tôi đặt chân đến các đồn biên phòng tuyến biên giới biển thuộc địa bàn tỉnh - từ Trường Sa đến huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang… đều đọng lại hình ảnh đẹp giữa bộ đội và nhân dân địa phương kề vai, sát cánh vượt qua khó khăn trong thiên tai, nâng bước trẻ em nghèo vùng biên, xây những mái ấm biên cương, kiến thiết để xây dựng cuộc sống mới.
Gắn bó với nhân dân
Những ngày tháng 7, chúng tôi theo ca nô Đồn Biên phòng Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) tuần tra trên vịnh Vân Phong. Ca nô vừa lướt sóng qua những khu vực lồng bè thủy sản của ngư dân trên vịnh, chúng tôi đã nghe tiếng gọi hồ hởi của người dân nơi đây: “Chào các chú bộ đội, các chú lại đi tuần tra đó à”. Một chiến sĩ còn rất trẻ nở nụ cười tươi, đáp lời: “Dạ vâng các bác, lát về chúng con lại ghé vô chơi”. Bao nhiêu năm qua, trên dải biên giới biển xa xôi ở vịnh Vân Phong này vẫn vang lên những lời chào thân thương, không khoảng cách giữa quân và dân như thế…
Ghé vào lồng bè nuôi trồng thủy sản của ông Lê Thanh Hoàng (thôn Đầm Môn), các cán bộ, chiến sĩ hỏi thăm về tình hình nuôi trồng thủy sản, cuộc sống gia đình hiện nay. Ông Hoàng kể với chúng tôi: “Nhiều năm qua, người nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, có khi vượt qua những thời khắc thập tử nhất sinh. Đợt cơn bão số 12 năm 2017, dù chính quyền địa phương, BĐBP đã cảnh báo nhiều lần, nhưng tôi cùng nhiều người vẫn chủ quan, lén ở lại để trông giữ lồng bè. Đêm hôm đó, bão lớn quét qua đã lật tan hơn 200 ô lồng bè của tôi, còn chúng tôi chỉ biết ôm các thùng nhựa trôi giữa vịnh. May mắn sao, các cán bộ, chiến sĩ đã kịp thời ứng cứu, đưa chúng tôi vào bờ. Khi cơn bão qua đi, cũng chính các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã ra tận nơi mang theo các vật dụng hỗ trợ người dân dựng lại, sửa sang lồng bè. Hiện nay, tôi đã gầy dựng lại được hơn 20 ô lồng bè nuôi cá chim, tôm hùm xanh… ổn định cuộc sống”.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thăm hỏi, sẻ chia cùng gia đình hộ nghèo. |
Hôm chúng tôi đến thăm, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nghiêm Tiến Hải - nhân viên kiểm soát biên phòng, Trạm Kiểm soát biên phòng Ba Ngòi, Đồn Biên phòng Cam Ranh đang ghé thăm hỏi, động viên sức khỏe bà Trương Thị Hoa (phường Cam Linh, TP. Cam Ranh). Bà Hoa là 1 trong 5 hộ được anh Hải phụ trách giúp đỡ theo Chỉ thị 681 - CT/ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP về việc "Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Hoàn cảnh bà Hoa đặc biệt khó khăn, một mình bà phải nuôi 2 con nhỏ ăn học trong khi bà làm nghề lao động tự do, thu nhập rất bấp bênh. Bằng tình thương, trách nhiệm, sự nhiệt huyết của người lính bộ đội cụ Hồ, những năm qua, anh Hải đã chủ động tham mưu cho chỉ huy đơn vị, địa phương tìm cách tháo gỡ để bà và 2 con vượt qua cảnh túng thiếu, từng bước ổn định cuộc sống. Bà Hoa chia sẻ: “Ngoài tiền lương, chú Hải còn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ 10 bao xi măng, 5m3 cát xây và 150m dây điện, UBND phường Cam Linh hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình tôi vay mượn thêm một ít để sửa chữa căn nhà cấp bốn 25m2 đã bị hư hỏng, xuống cấp. Tranh thủ ngày nghỉ hay những ngày lễ, Tết, chú lại ghé thăm hỏi, động viên sức khỏe đã thực sự mang đến hơi ấm cho gia đình tôi”.
Những “con nuôi Bộ đội Biên phòng”
Năm 2020, trong cuộc truy quét các đối tượng buôn bán ma túy tuyến biên giới biển ở vịnh Vân Phong, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đầm Môn tạm giữ ông Trần Thanh Binh (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Ông Binh vừa chấp hành xong án tù về tội đánh người gây thương tích, nay tiếp tục lãnh án tù về tội mua bán trái phép các chất ma túy. Khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình ông Binh, các cán bộ, chiến sĩ biết được vợ ông đã bỏ đi, con trai ông là cháu Trương Thanh Nhường (mang họ mẹ) mới học lớp 2, sống với bà nội, hoàn cảnh rất khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học. Trước tình cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đầm Môn đã nhận Nhường làm "con nuôi BĐBP". Gần 4 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đồn đã đóng góp tiền để chu cấp cho Nhường được ăn học đầy đủ. Hôm gặp chúng tôi trong mái nhà nhỏ ở thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ), bà Trần Thị Sương (bà nội của Nhường) xúc động: "Mỗi dịp đầu năm học mới, lễ, Tết, các chiến sĩ BĐBP lại đến thăm hỏi, động viên, tặng sách vở cho cháu và tặng quà cho gia đình. Những tình cảm ấm áp đó gia đình chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn”.
Nhường là 1 trong 50 học sinh trên khu vực biên giới biển được các đơn vị BĐBP tỉnh nhận nuôi dưỡng và đỡ đầu trong chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và “Nâng bước em tới trường”. Ngoài số tiền hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng cho mỗi em, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP tỉnh còn vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng sách vở và đồ dùng học tập, sinh hoạt. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng chứa đựng biết bao tình cảm, tiếp thêm niềm hy vọng, động viên các em thực hiện ước mơ đến trường.
Dù đến nay bình yên đã trở lại nơi Tổ 19 Trường Phúc (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang), nhưng trước đây khu vực này từng là địa điểm nóng về tệ nạn xã hội. Nhiều trẻ em dễ vướng phải những tệ nạn xã hội từ môi trường xung quanh. Trước thực trạng đó, gần 20 năm qua, Đồn Biên phòng Cầu Bóng đã mở lớp học tình thương miễn phí cho nhiều thế hệ trẻ em khu vực này. Là một nhân viên vận động quần chúng đầy nhiệt huyết và sáng tạo của Đồn Biên phòng Cầu Bóng, những năm qua, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tưởng luôn phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Đặc biệt, trong gần 30 năm công tác, đã có gần 20 năm anh dành tâm huyết để xây dựng và duy trì lớp học tình thương trên địa bàn phụ trách. Hình ảnh người chiến sĩ mang màu áo xanh, cứ mỗi buổi tối sau giờ làm lại chạy chiếc xe máy cà tàng leo lên con dốc nhỏ ở Tổ 19 Trường Phúc dạy học miễn phí cho các em đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân. Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ: “Đối với tôi, lớp học gắn bó với mình đã gần 20 năm cũng như một gia đình, tôi coi các cháu như chính con của mình. Trước khi dạy về tri thức, tôi dạy các cháu về đạo đức với mong muốn sau này các cháu trưởng thành là người tốt, giúp đỡ cho gia đình, làm người có ích cho xã hội”.
Xây những mái ấm biên cương
Cũng trong những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp theo chân Tổ hành động vì cộng đồng xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa,) trong đó có Đồn Biên phòng Ninh Phước hỗ trợ xây tặng nhà “Mái ấm biên cương” cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đến gia đình bà Nguyễn Thị Loan (thôn Ninh Tịnh), nhìn cảnh căn nhà dưới bị tốc mái trong cơn bão số 12 năm 2017 đến nay chưa được sửa chữa, mái ngói căn nhà trên cũng đã bị sập nhiều chỗ, con trai bà Loan bị bệnh không lao động được, chúng tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Đoàn công tác của Tổ hành động vì cộng đồng đã khảo sát và trao tặng 70 triệu đồng hỗ trợ gia đình bà xây nhà “Mái ấm biên cương”. Bà Loan xúc động cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thời gian qua Tổ hành động vì cộng đồng rất quan tâm, tặng quà các dịp lễ, Tết; nay lại được hỗ trợ xây nhà, tôi rất vui mừng và biết ơn nhiều lắm!”.
Thành lập từ năm 2018, đến nay, Tổ hành động vì cộng đồng xã Ninh Phước đã xây tặng 6 căn nhà “Mái ấm biên cương”, trao tặng 27 phương tiện sinh kế cho hộ nghèo. Phần lớn các gia đình được hỗ trợ đã sử dụng các phương tiện sinh kế rất hiệu quả, đến nay đã có 4 gia đình thoát nghèo, 5 gia đình từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo. Bà Hồ Thị Tuyết Phụng, một trong số các hộ vươn lên thoát nghèo nhờ phương tiện sinh kế được trao tặng cách đây 3 năm chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều bị tàn tật nhưng chúng tôi luôn nỗ lực lao động vì cuộc sống gia đình và nuôi 2 con ăn học. Chồng tôi đi làm phụ hồ, tôi làm thợ may tại nhà. 3 năm trước, thấy tôi bị tật ở chân, đạp máy may rất khó khăn nên Tổ hành động vì cộng đồng đã trao tặng 1 chiếc máy may chạy bằng điện. Từ khi có chiếc máy này, việc may vá của tôi rất dễ dàng, năng suất tăng lên nhiều. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, công việc may vá cho tôi thu nhập trên dưới 300 ngàn đồng. Gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo hơn một năm nay”.
Đại tá Nguyễn Doãn Hòa - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, những năm qua, BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “BĐBP Khánh Hòa chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; tổ chức sôi nổi các hoạt động “Ngày hội biên phòng toàn dân”, chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”. Đồng thời, phát động và triển khai hiệu quả các phong trào hướng về biển, đảo; tham gia cùng địa phương, UBMTTQ Việt Nam các cấp kêu gọi, huy động các nguồn lực giúp nhân dân khu vực biên giới biển, đảo giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội.
Giai đoạn 2019 - 2024, BĐBP tỉnh đã vận động được hơn 1 tỷ đồng từ cán bộ, chiến sĩ và các doanh nghiệp... để xây dựng và bàn giao 20 căn nhà “Mái ấm biên cương”; xây dựng 10 “Nhà tình thương” với tổng trị giá 800 triệu đồng cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới; phối hợp xây dựng 4 công trình dân sinh (3 phòng học, 1 đường liên thôn) với tổng kinh phí 130 triệu đồng. BĐBP tỉnh đã tổ chức quyên góp được 1,5 tỷ đồng duy trì hỗ trợ 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em đến trường", "Con nuôi đồn Biên phòng”; tặng 70 xe đạp với tổng trị giá 110 triệu đồng cho hội viên Hội Phụ nữ và học sinh nghèo khu vực biên giới biển.
THẾ ANH - THÁI THỊNH
Kỳ 2: Cùng nhân dân bảo vệ biển, đảo Tổ quốc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin