21:26, 03/01/2024

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

VĂN KỲ

Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 11-1-2021 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên cả về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý điều hành; chất lượng nguồn lao động cơ bản đáp ứng các yêu cầu công việc, ngày càng nâng cao trình độ.

Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, người lao động

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua và ban hành nhiều nghị quyết để thực hiện chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, số lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, lĩnh vực thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác sắp xếp, bố trí, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển… bảo đảm sự liên tục, kế thừa; bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Thuyết  minh  viên  Trung tâm Bảo  tồn  di  tích  tỉnh  đang  giới  thiệu  về  di  tích Tháp bà Ponagar với du khách
Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar với du khách.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trước kia, công tác phối hợp, liên kết với các trường, viện, học viện, cơ sở đào tạo của Trung ương trên địa bàn tỉnh chưa được chú trọng. Tuy nhiên, từ khi có Quy chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang đã mời các chuyên gia của các doanh nghiệp tham gia quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung chương trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Kết quả, đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức ở khối Đảng, Mặt trận và đoàn thể có trình độ đại học trở lên đạt 88,3%, tỷ lệ viên chức có trình độ đại học trở lên đạt 69,7%; tỷ lệ này ở khối cơ quan nhà nước lần lượt là 96,79% và 69,52%; công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 65,9%. Đến năm 2023, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo cho 22.553 người. Ước tính tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến tháng 9-2023 đạt 82,8%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 28,5%. Về y tế, tổng số bác sĩ trên địa bàn tỉnh là 1.566 người, đạt tỷ lệ 11,7 bác sĩ/10.000 dân, gần đạt với mục tiêu 12,5 bác sĩ/10.000 dân của Nghị quyết số 07.

Cần có chính sách thu hút nhân tài 

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng trẻ hóa, có trình độ chuyên môn ngày càng tăng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức; có khả năng nắm bắt và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động trong xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, số lượng lao động hàng năm vẫn tăng, sức ép về việc làm hàng năm vẫn lớn, việc giải quyết việc làm cho người lao động còn nhiều khó khăn do trình độ thấp, chưa qua đào tạo; cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng chất lượng chuyển dịch chưa bền vững, có sự chuyển dịch lao động tay nghề cao sang địa phương khác; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về địa phương lại không bố trí được việc làm do một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực tuy được tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng: Kinh tế biển là nền tảng; công nghệ chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút nhân tài và môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn để thu hút những người có trình độ chuyên môn cao về địa phương công tác.

Tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế mũi nhọn khi Khánh Hòa là đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Ví dụ, trong Nghị quyết số 42 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì vậy, tỉnh phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của bệnh viện tuyến cuối.

VĂN KỲ