Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ban hành Đề án số 07 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong tình hình mới” (gọi tắt là Đề án 07). Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về mục tiêu của đề án, cũng như các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là công tác nắm bắt dư luận xã hội).
Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. |
Công tác nắm bắt dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng
- Xin ông đánh giá khái quát những nét lớn về vai trò của công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Công tác nắm bắt dư luận xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Công tác này giúp nắm bắt được tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đối với những vấn đề lớn của đất nước, những sự kiện có tính thời sự; giúp cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh một cách sát thực, phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tạo sự thống nhất, hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân. Từ đó, cũng định hướng cho công tác tuyên truyền và đấu tranh phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nắm bắt dư luận xã hội, trong nhiều năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rất quan tâm đến việc triển khai công tác nắm bắt dư luận xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, tháng 4-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU để triển khai thực hiện Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hàng năm, trong các nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều gắn các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng với công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Mặt khác, thông qua các hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, các địa phương, ngành, đơn vị nắm bắt dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân để giải quyết kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm, nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội… Qua đó, công tác nắm bắt dư luận xã hội đã giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương có thêm thông tin để đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giải quyết một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ tỉnh, sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng các chủ trương, đưa ra các quyết sách phù hợp, đúng đắn, đáp ứng yêu cầu pháp lý và thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu của tỉnh trong những năm qua.
Thực hiện tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội sẽ góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân khi thực hiện các dự án trọng điểm. Trong ảnh, thi công đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Ảnh: TRUNG NHÂN |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua cũng có những hạn chế, bất cập, đó là: Công tác nắm bắt tình tình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân đôi lúc chưa kịp thời, bị động, chưa sát thực tiễn, ngại phản ánh những vấn đề “nhạy cảm”; thiếu tính phát hiện, dự báo, chưa đưa ra được những đề xuất, kiến nghị có tính thuyết phục, khả thi; chưa đi sâu phân tích, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những luồng ý kiến trái chiều; chưa đầu tư nhiều vào việc nghiên cứu, dự báo và định hướng dư luận trong bối cảnh mới.
- Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều công trình trọng điểm, dự án lớn được dư luận xã hội quan tâm. Đó có phải là một trong những lý do để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 07, thưa ông?
- Hiện nay, toàn tỉnh ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quá trình triển khai các quy hoạch, dự án, công trình quan trọng sẽ có tác động, ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống, sinh kế của một bộ phận người dân, xuất hiện dư luận tiêu cực, trái chiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin giả, xuyên tạc, bóp méo sự thật… làm nhiễu loạn thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, của tỉnh gây mất niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh đó đòi hỏi công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân phải kịp thời nhằm định hướng dư luận, tránh phát sinh “điểm nóng”, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để góp phần triển khai hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố “thế trận lòng dân”, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định ban hành Đề án 07.
Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp
- Xin ông cho biết mục tiêu tổng quát của Đề án 07?
- Mục tiêu chiến lược của Đề án 07 là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và từng bước đưa công tác nắm bắt dư luận xã hội trở thành một nhiệm vụ liên tục, thường xuyên, nền nếp, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, dự báo và đề xuất các cấp ủy, chính quyền ban hành những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp; chủ động định hướng tư tưởng, tuyên truyền và đấu tranh phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Để hoàn thành những mục tiêu trên, Đề án 07 đã đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?
- Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đề án 07 đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường sự chủ động trong nghiên cứu, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng và dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, cụ thể:
Một là, đề án xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; từng bước đưa công tác nắm bắt dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nền nếp.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức công tác nắm bắt dư luận xã hội. Theo đó, nội dung điều tra xã hội học, nghiên cứu dư luận xã hội cần bám sát việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách tại địa phương, đơn vị..., nhất là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, cần chủ động nắm bắt và phản ánh các sự kiện, vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là việc triển khai các quy hoạch, dự án trọng điểm… Đồng thời, các cấp, ngành cũng cần tăng cường, đa dạng hình thức nắm bắt, tổng hợp dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể như: Thông qua đội ngũ cộng tác viên; gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; điều tra xã hội học, thăm dò dư luận xã hội; ứng dụng công nghệ để theo dõi và phân tích các chỉ số lắng nghe mạng xã hội... để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội.
Ba là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, gắn kết các lực lượng cùng tham gia làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội. Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30-9-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên giáo cùng tham gia công tác nắm bắt dư luận xã hội, quan tâm gắn kết, mở rộng mạng lưới, góp phần làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt dư luận xã hội; phát huy tính chủ động trong phản ánh thông tin, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân; vai trò phối hợp của các cơ quan chức năng, cơ quan nhà nước cùng cấp trong trao đổi, cung cấp thông tin và trong dự báo, định hướng dư luận xã hội. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các quy hoạch, dự án, chương trình trọng điểm, có ảnh hưởng đến đại đa số người dân để ban tuyên giáo cùng cấp kịp thời, chủ động định hướng thông tin; chủ động phản hồi thông tin về kết quả xử lý, giải quyết các vấn đề được dư luận xã hội phản ánh, giúp các cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.
Bốn là, thành lập và có giải pháp ngày càng nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội. Đội ngũ này sẽ có trách nhiệm kịp thời nắm bắt, tổng hợp, nghiên cứu, phản ánh khách quan, trung thực các luồng ý kiến, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp có tính thuyết phục, khả thi. Đây là cơ sở thực tiễn để các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống. Số lượng tổ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội cấp tỉnh tối đa là 35 người; cấp huyện và tương đương tối đa 20 người/địa phương, đơn vị…
Năm là, tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội. Theo đó, hàng năm, cấp ủy quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước đáp ứng hoạt động của công tác nắm bắt dư luận xã hội, như: Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; trang bị phương tiện, trang thiết bị cần thiết; tổ chức các cuộc điều tra xã hội học; chế độ phụ cấp cho tổ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội... Qua đó, xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng công tác nắm bắt dư luận xã hội được đặt ở vị trí đúng tầm, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân để đưa ra những quyết sách đúng đắn; đồng thời cũng là "phương thuốc đề kháng" với những thông tin sai lệch, xấu độc, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
XUÂN THÀNH (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin