09:06, 08/06/2021

Tiếng Việt thời hội nhập…

Dư luận vừa qua xôn xao quanh đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ngày 4-6. Đề thi có câu nghị luận xã hội: Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ: "Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.

Dư luận vừa qua xôn xao quanh đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ngày 4-6. Đề thi có câu nghị luận xã hội: Trong cuốn sách “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”, Lu-Mannup đã chia sẻ: “Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.


Không dám bàn đề thi hay dở, mà từ đề thi này người viết chỉ muốn nêu lên những suy nghĩ về sử dụng tiếng Việt hiện nay.


Nội dung cốt lõi của đề thi là qua câu ngạn ngữ xa lạ kia, đòi hỏi học sinh bày tỏ quan điểm “Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu”. Nếu vậy, sao trong tiếng Việt có một thành ngữ tương đương thì lại không chọn? Đó là câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hoặc ngắn gọn hơn là câu: “Vàng không sợ lửa”. Rất giản dị vậy, cần chi phải mượn đến sách của tác giả nước ngoài, lấy ngạn ngữ nước ngoài để những là luộc trứng với luộc khoai (?)

 

Đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Đề thi môn Ngữ văn vào Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.


Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một kho tàng ngạn ngữ riêng, gắn với đời sống văn hóa của họ suốt lịch sử. Tư duy của nhân loại tương đồng, nên ngạn ngữ dù dùng hình ảnh khác nhau nhưng ý nghĩa thì tương tự nhau. Không nhất thiết phải dùng câu ngạn ngữ xa lạ mà có thể chọn một câu tương đương trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng như vậy có lẽ không khoe được kiến thức và nghe có vẻ quê mùa hay sao…


Khi xã hội có tâm lý sính ngoại như vậy, nên thế hệ hiện nay dùng cấu trúc câu như người nước ngoài học nói tiếng Việt là chuyện đã trở nên bình thường. Chúng ta đã rất quen với cách viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại loại như: “Người đẹp đến từ tỉnh A sở hữu số đo ba vòng cực chuẩn…”.  Hoặc “Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nên tình hình tai nạn giao thông đã được giảm thiểu tối đa…”.


Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, tiếp thu các yếu tố văn hóa của thế giới cũng như sử dụng thành thạo ngoại ngữ như một công cụ là điều tất yếu. Vấn đề là bản lĩnh nội tại để thực hiện hội nhập. Người ta chỉ có thể chủ động hội nhập, giữ được bản sắc riêng khi nắm vững kiến thức văn hóa của chính nước mình, nắm vững sự phong phú của tiếng Việt. Khi kiến thức căn bản về chính nền văn hóa của mình chưa vững, vốn tiếng Việt còn nghèo nàn thì rất dễ mắc bệnh sính ngoại. Điều này lý giải vì sao, người giỏi ngoại ngữ thì rất nhiều, nhưng số dịch giả, chuyển ngữ thành công một tác phẩm văn học lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.


Nhớ lại giữa những năm chiến tranh đánh phá miền Bắc của Mỹ đang ác liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát động phong trào Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thủ tướng đã viết trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 4/1966: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp”.


Xem ra, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không đơn giản chút nào.


Thủy Ngân