10:05, 31/05/2020

Đúng quy định, nhưng chưa đồng thuận

Bộ Giao thông vận tải vừa cử đoàn công tác vào đối thoại với dân xung quanh những khúc mắc ở Trạm BOT Ninh Xuân. Tại buổi đối thoại, đại diện của bộ vẫn tiếp tục khẳng định, việc đầu tư xây dựng và vị trí đặt Trạm BOT Ninh Xuân đúng với trình tự đầu tư và quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải vừa cử đoàn công tác vào đối thoại với dân xung quanh những khúc mắc ở Trạm BOT Ninh Xuân. Tại buổi đối thoại, đại diện của bộ vẫn tiếp tục khẳng định, việc đầu tư xây dựng và vị trí đặt Trạm BOT Ninh Xuân đúng với trình tự đầu tư và quy định của pháp luật.


Ngay từ khi mới xây dựng Trạm thu phí BOT Ninh Xuân, dư luận đã rộ lên ý kiến không đồng tình. Khó chấp nhận 2 trạm BOT cách nhau chỉ 12km. Và kể từ ngày 16-12-2019, Trạm BOT Ninh Xuân bắt đầu được phép thu phí thì trước đó, hàng chục xe ô tô, xe tải đã tập trung quanh trạm thu phí để phản đối. Sự phản đối liên tục bằng nhiều hình thức suốt từ đó đến nay khiến Trạm BOT Ninh Xuân trở thành một điểm nóng trên địa bàn.



Vì sao “đúng quy định” nhưng không hợp lòng dân? Thực ra, sự việc bắt nguồn từ trước đó, khi UBND tỉnh chấp nhận cho trạm BOT từ Ninh An dời vào Ninh Lộc. Trạm BOT Ninh An là trạm thu phí cho dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425+500 thuộc tỉnh Khánh Hòa theo hình thức hợp đồng BOT. Theo chủ đầu tư, việc di dời vị trí đặt trạm vào xã Ninh Lộc để đảm bảo đủ khoảng cách tối thiểu 70km đến Trạm thu phí đèo Cả và Trạm thu phí Cam Thịnh. Sự “đúng quy định” này buộc xe từ tỉnh Đắk Lắk đi TP. Nha Trang đã phải mua phí cho nguyên đoạn Ninh Lộc - Cam Thịnh Đông (dù chỉ đi từ thị xã Ninh Hòa). Đến nay, có Trạm BOT Ninh Xuân cách 12km lại mua thêm một lần phí nữa.


Trong khi đó, Trạm thu phí hầm đường bộ đèo Cả có mức thu cao gấp gần 3 lần so với Trạm Ninh Lộc (xe dưới 12 chỗ 90.000 đồng/lượt, xe tải trên 18 tấn 240.000 đồng/lượt), nhưng giới tài xế hồ hởi chấp nhận. Không những thế, họ thậm chí còn biết ơn nhà đầu tư đã giúp họ xóa đi nỗi ám ảnh mỗi khi phải qua đường đèo hiểm trở.


Người dân rất hiểu và đồng thuận cao với chủ trương của Nhà nước khi kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, người dân được hưởng sự thuận tiện của công trình, phải trả phí là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, phải minh bạch, hợp lý, hài hòa giữa quyền lợi của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân.


Có như vậy, người dân mới ủng hộ mà không cần đòi hỏi giải thích thực hiện có đúng quy trình hay không.


Thủy Ngân