09:10, 13/10/2019

Thể chế hóa

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo...

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Trung ương đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; nguyên nhân vì sao? Chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế, hay do hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện? 
 
Ở đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực thể chế hóa và tổ chức thực hiện. 
 
Thuật ngữ “thể chế hóa” được sử dụng lần đầu trong Văn kiện Đại hội V của Đảng. Văn kiện viết: “Cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý đã được thể chế hóa trong Hiến pháp...”. Chúng ta biết rằng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cơ chế chính trị - pháp lý bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, là phương thức xây dựng pháp luật của Nhà nước, được Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật, các hình thức văn bản pháp luật. Đảng đề ra đường lối, chủ trương, đồng thời lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa thành pháp luật. Đơn cử như báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trình Trung ương xem xét, cho ý kiến lần này là để thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
 
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng được thực hiện theo hai cấp: cấp trung ương là Quốc hội, Chính phủ; cấp địa phương là chính quyền cấp tỉnh, gồm HĐND và UBND.
 
Có thể thấy, ở cấp địa phương, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập, sáng tạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa là hết sức quan trọng, cần được phát huy tối đa. Thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã có tình trạng “chép lại” nghị quyết của Đảng trong văn bản thể chế hóa, không làm rõ được những nét riêng, đặc thù của địa phương cho nên không thể chế hóa chính xác, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng. Điều này dẫn tới hệ quả là chất lượng hệ thống văn bản pháp luật cấp tỉnh không cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chủ trương, đường lối của Đảng là chung cho cả nước. Mỗi địa phương phải thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng việc xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của riêng mình.
 
Như trên đã nói, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phân tích nguyên nhân vì sao có chủ trương, chính sách còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng; cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
 
Từ thực tế trên, có lẽ, riêng ở cấp tỉnh, cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác thực trạng ý thức, trình độ pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm thể chế hóa, lấy đó làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện thể chế hóa.
 
PHONG NGUYÊN