09:10, 18/10/2019

Người viết trẻ

Tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, nhiều đại biểu bày tỏ mối quan ngại về hiện trạng tuổi trung bình của hội viên ngày càng lớn; trên văn đàn ít thấy có tác phẩm của những người viết trẻ. 

Tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật (VH-NT) tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, nhiều đại biểu bày tỏ mối quan ngại về hiện trạng tuổi trung bình của hội viên ngày càng lớn; trên văn đàn ít thấy có tác phẩm của những người viết trẻ. Nhiều người nửa đùa nửa thật, cứ đà này, vài nhiệm kỳ nữa, đại biểu dự đại hội chỉ toàn những hội viên... chống gậy!


“Trẻ” trong “người viết trẻ” có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là trẻ về tuổi đời. Hai là trẻ về tuổi nghề. Tác giả trẻ, theo nghĩa nào, tuổi đời hay tuổi nghề, trên thực tế ở Khánh Hòa hiện đều ít.


Thời gian qua, Hội VH-NT đã có rất nhiều cố gắng trong việc tạo điều kiện phát triển những người viết trẻ. Cụ thể như đã tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác thơ, văn trong học sinh; cử tác giả trẻ tham gia trại sáng tác; kết nạp những người viết trẻ có đủ điều kiện vào hội... Đặc biệt, Tạp chí Nha Trang hàng năm đều dành hẳn một số chuyên đề đăng tải tác phẩm của những người viết trẻ. Điều đáng quý là số chuyên đề này luôn được các thế hệ đi trước thực sự quan tâm, như một cách tìm kiếm, chọn lọc nhân tố mới.


Có chi tiết đáng lưu ý là tác giả trẻ nhất có tác phẩm trên số chuyên đề này có tuổi đời đã... 36! Nhiều lúc, những người biên tập cứ băn khoăn. Bài vở ít, không đủ bài của người trẻ tuổi đời thì đành dùng bài của những anh em trẻ tuổi nghề, cho dù tuổi đời tác giả đã ở độ... “tri thiên mệnh”. Thôi thì cứ có... trẻ là được. Người viết trẻ ít, nên việc kết nạp hội viên Hội VH-NT rất khó khăn. Kết nạp hội viên mới đã khó, tìm kiếm hội viên trẻ lại càng khó. Có thể thấy, tiêu chuẩn được kết nạp hội viên Hội VH-NT cấp tỉnh hiện nay không cao, có từ 2 tác phẩm trở lên được đăng trên Tạp chí Nha Trang là được. Nhưng sao khó làm vậy? Suốt từ năm 2014 đến 2019, hội kết nạp được 46 hội viên, trong đó số lượng hội viên chuyên ngành văn học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao vậy? Câu hỏi quá khó để trả lời.


Theo những nhà thơ, nhà văn lão thành, đội ngũ sáng tác trẻ của Khánh Hòa có đủ tài năng để kế thừa, tiếp nối các thế hệ đi trước. Có một thực tế, trong học đường có nhiều em viết rất tốt nhưng theo thời gian cứ “rụng” dần, ít người có đủ nghị lực, đam mê theo đuổi nghề văn, nghiệp chữ. Có ít người viết trẻ, do công tác hướng dẫn, tập hợp những người viết trẻ của Hội VH-NT còn nhiều hạn chế hay do cảm xúc, cảm hứng VH-NT của lớp trẻ bây giờ đã chai sạn? Trên văn đàn VH-NT tỉnh, thật khó tìm tác phẩm của các tác giả trẻ, trong khi đó, tác phẩm của các tác giả tuổi rất cao, như nhà thơ Giang Nam tuổi đã tròn... 90, vẫn cứ tuôn dào dạt.


Thiếu người viết trẻ, thiếu đội ngũ kế cận, đời sống VH-NT của xứ sở Trầm Hương rồi sẽ ra sao? Sau những thế hệ của nhà thơ Giang Nam, nhà văn Cao Duy Thảo; nhà thơ Lê Khánh Mai, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên..., những tên tuổi nào sẽ nối tiếp, để truyền thống VH-NT Khánh Hòa được liền mạch một cách xứng đáng?


Có chính sách đầu tư phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ trên lĩnh vực văn học là cần thiết. Nhưng điều đó chưa đủ. Điều cần thiết và cơ bản nhất là làm thế nào đó để bồi dưỡng, vun đắp tình cảm, cảm xúc văn học, văn chương cho lớp trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng, đây là một trong những điểm yếu của nền giáo dục chúng ta hiện nay.


PHONG NGUYÊN