Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đang diễn ra, với nhiều kỳ vọng về bước phát triển mới của công cuộc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX đang diễn ra, với nhiều kỳ vọng về bước phát triển mới của công cuộc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một trong những nội dung lớn được đại hội quan tâm là công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Chương trình hành động của Đại hội IX, MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, có một nhiệm vụ quan trọng là thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Mặt trận phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận, nhân dân, báo chí và công luận.
Nói về việc thực hiện công tác giám sát, ở Khánh Hòa, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh nắm thông tin từ bốn nguồn. Thứ nhất, từ ý kiến cử tri. Thứ hai, từ hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Thứ ba, từ nội dung phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội, hoạt động giám sát của UBMTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn. Thứ tư, từ phản ánh của báo chí. Chính vì vậy, trong các hội nghị giao ban định kỳ, giao ban hàng tuần, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mà nhân dân, báo chí phản ánh.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, bắt đầu thực hiện từ tháng 7-2019. Quy chế quy định rõ, định kỳ hàng tháng, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân mà không ủy quyền cho các chức danh khác, để nghe ý kiến của người dân về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, thái độ, tinh thần trách nhiệm, những hạn chế, thiếu sót và vi phạm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đây là kênh thông tin quan trọng. Vấn đề là làm thế nào để người dân thực sự chân thành chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, tình trạng xa dân, quan liêu, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác trong một số cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục. Việc nhận diện bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý, nắm bắt tình hình tư tưởng, biểu hiện xa dân, quan liêu, lãng phí, tiêu cực đối với cán bộ, đảng viên của một số cấp ủy còn bất cập... Do vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điều này có ý nghĩa củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
PHONG NGUYÊN