Sau lễ khai mạc Festival Biển 2019, lãnh đạo tỉnh nán lại cùng với đoàn viên, thanh niên dọn chai nước, bịch nhựa, rác thải tại khu vực lễ đài. Hình ảnh bình thường này làm cư dân mạng dậy sóng. Những người nghĩ tích cực thì khen hành động đẹp, có tính lan tỏa, nhắc nhở cộng đồng cùng chung tay với nạn xả rác. Những người xấu tính thì hậm hực kêu đó là làm màu, là diễn…
Sau lễ khai mạc Festival Biển 2019, lãnh đạo tỉnh nán lại cùng với đoàn viên, thanh niên dọn chai nước, bịch nhựa, rác thải tại khu vực lễ đài. Hình ảnh bình thường này làm cư dân mạng dậy sóng. Những người nghĩ tích cực thì khen hành động đẹp, có tính lan tỏa, nhắc nhở cộng đồng cùng chung tay với nạn xả rác. Những người xấu tính thì hậm hực kêu đó là làm màu, là diễn… Thời buổi mà các giá trị bị đảo lộn, có loại người chỉ nhìn xung quanh bằng con mắt nghi ngờ và dè bỉu. Những người như thế không chỉ góp phần làm tăng rác thải ngoài cuộc sống mà còn làm môi trường mạng cũng đầy “rác” không kém.
Vấn đề rác thải, nhất là rác thải nhựa hiện nay là vấn đề toàn cầu, chứ không của riêng 1 đất nước, một vùng miền nào. Con người càng văn minh, càng thải rác nhiều. Con người càng phát minh ra những thứ tưởng làm cho cuộc sống tiện nghi hơn thì càng phải trả giá đau đớn về cái sự văn minh của mình. Trái đất ngập trong rác chả còn là chuyện xa vời gì.
Có cuộc sống thì có rác thải. Vấn đề là xã hội càng văn minh, rác càng khó phân hủy. Rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa chất đống ven sông, từ biển tấp vào ngập các bờ biển, các khu du lịch. Đã có bao nhiêu người tự nguyện nhặt rác. Đã có bao nhiêu lần nơi này nơi kia ra quân hưởng ứng phong trào dọn sạch bờ biển, dọn sạch bờ sông… Đã có bao nhiêu người tự nguyện tham gia tour du lịch nhặt rác. Có một vị khách tây sáng sáng cần mẫn nhặt rác trên bờ biển Nha Trang mà làm dậy sóng truyền thông, báo nào cũng xúm vào đưa tin.
Thông điệp của những người “tự đày mình” dọn rác là mọi người hãy hạn chế xả rác. Nhưng người ta sẽ dọn rác đến bao giờ, khi mà công nghiệp hóa chất cứ mãi sống khỏe với các loại nhựa? Có đồ dùng nào tiện dụng hơn chai nhựa, túi nhựa hàng ngày? Trên cả nước mình, có lẽ duy nhất Cù Lao Chàm của Hội An là nơi nói không với túi nhựa, kết quả của sự vận động vừa kiên trì, vừa quyết liệt với bao nhiêu giải pháp của chính quyền nơi đây.
Nhớ thời bao cấp, nghèo mà lành. Đầu giờ sáng chị cấp dưỡng nấu một nồi nước sôi lớn. Nhân viên các phòng đến cơ quan, việc đầu tiên là đi lấy nước sôi, quét phòng, pha trà chờ thủ trưởng. Cuối ngày đi rửa bình trà, rác duy nhất là đám bã trà được bón cho mấy gốc cây trong khuôn viên cơ quan. Ngoảnh đi ngoảnh lại chưa được bao năm, hình ảnh ấy đã là quá khứ. Bây giờ đến các phòng làm việc, nước uống đóng chai phổ biến đến tận các xã miền núi. Sau một ngày làm việc, nhất là sau hội nghị của ngành chẳng hạn, vỏ chai nhựa, ống hút gom cả đống ở hành lang…
Nghe nói ở Huế, chính quyền mới có chỉ thị nghiêm cấm dùng nước đóng chai nhựa sử dụng hàng ngày. Ngân sách sẽ không thanh toán chi phí thường xuyên nếu mua nước uống đóng chai. Mong sao có thêm nhiều tỉnh, thành cũng học cách làm ấy, uống nước như… thời bao cấp.
Thủy Ngân