Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) 2017 diễn ra sáng 17-5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chủ đề "Đồng hành cùng DN". 2.000 lãnh đạo DN có mặt tại Hà Nội và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành để đối thoại với người đứng đầu Chính phủ với mong muốn tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) 2017 diễn ra sáng 17-5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chủ đề “Đồng hành cùng DN”. 2.000 lãnh đạo DN có mặt tại Hà Nội và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành để đối thoại với người đứng đầu Chính phủ với mong muốn tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.
So với lần đầu tổ chức tháng 4-2016 với khoảng 500 lãnh đạo DN tham dự trực tiếp, sự kiện này có quy mô lớn hơn khá nhiều. Sau phiên đối thoại, ngay chiều 17-5, Chính phủ đã họp bàn giải pháp cho các kiến nghị DN nêu ra.
Điều mà các DN than phiền nhiều nhất tại buổi đối thoại về thanh tra, kiểm tra chồng chất, Thủ tướng ngay lập tức ký ban hành Chỉ thị số 20 với nội dung cơ bản là không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Điều này chứng tỏ mong muốn và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN.
Lãnh đạo các DN mừng, đặc biệt là các DN ngoài quốc doanh! Bởi những rào cản của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các DN nhà nước dù sao cũng có phần... nương tay hơn!
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã dành nguyên phần IV “Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN” để trình bày về phương hướng, mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình DN. Nguyên tắc xuyên suốt là mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật. Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ “có chính sách thúc đẩy phát triển các DN Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Tại sao Nghị quyết của Đảng rất rõ ràng, quyết tâm của Chính phủ tạo điều kiện cho DN phát triển là rất cụ thể, nhưng DN vẫn cứ gặp khó trong sản xuất - kinh doanh?
UBND tỉnh hàng năm vẫn định kỳ tổ chức đối thoại với DN, lắng nghe những khó khăn, bức xúc để có hướng tháo gỡ. Các sở, ngành đề nghị có đường dây nóng phản ánh tình trạng nhũng nhiễu... Nhưng hầu hết tại các buổi gặp mặt này, các DN chỉ phát biểu chung chung. Còn những khó khăn thực sự thì... để gặp trực tiếp các anh ấy trình bày(!)
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, quyết tâm của Chính phủ là rất lớn, vấn đề là Chính phủ phải truyền quyết tâm đó cho cả bộ máy quản lý nhà nước vốn rất cồng kềnh của ta. Đặc biệt là phải làm cho mỗi cán bộ, công chức thấm nhuần được tinh thần cải cách, tinh thần kiến tạo của Chính phủ để phục vụ DN, không coi DN là đối tượng để kiếm chác. Bởi DN hàng ngày giải quyết công việc với các đối tượng này, không phải bỗng chốc chạy lên gặp Chủ tịch UBND tỉnh, gặp Thủ tướng...
Đấy mới là nút thắt cơ bản của DN mà cả hệ thống chính trị phải tập trung giám sát, tháo gỡ.
Chúng ta có quyền hy vọng.
Thủy Ngân