06:03, 10/03/2017

Chính quyền đối thoại

Trong phiên làm việc với UBND tỉnh chiều 28-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Khánh Hòa đã chọn hướng đi tốt; hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã - hội địa phương.

Trong phiên làm việc với UBND tỉnh chiều 28-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Khánh Hòa đã chọn hướng đi tốt; hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã - hội địa phương.


Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; các chỉ số còn ở mức thấp. Khánh Hòa cần tập trung rà lại các Nghị quyết 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy chính quyền với tinh thần xây dựng Khánh Hòa là hình mẫu của chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với người dân, với doanh nghiệp.


Thủ tướng mong mỏi: “Chính quyền của chúng ta phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ; tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn; tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo”.


Chúng ta đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nhiều về một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Đó là một chính phủ chuyển mạnh từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mà để làm được việc ấy, chính phủ phải tập trung hoàn thiện thể chế; rà soát cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.


Vậy thì, hình mẫu chính quyền đối thoại mà Thủ tướng gợi ý cho Khánh Hòa được hiểu như thế nào?


Chúng ta đều biết rằng, ngôn từ đối thoại biểu hiện sự giao tiếp, thường là giữa hai phía, trong đó, sự chủ động và sự thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía bên này sang phía bên kia. Đối thoại là cách trò chuyện trực tiếp bằng khẩu ngữ, trong không khí khá bình đẳng về nhiều mặt giữa những người phát ngôn.
Lâu nay, đối thoại là một trong những phương cách quan trọng Đảng và Nhà nước ta áp dụng trên nhiều lĩnh vực, phương diện công tác. Thực tế, lãnh đạo nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để lắng nghe; giải đáp; xử lý những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Có thể thấy, những đặc điểm ưu việt nhất của đối thoại chính là tính trực tiếp và bình đẳng. Đây chính là những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chủa chúng ta. Cho nên, có thể nói, chính quyền đối thoại là một chính quyền thực sự dân chủ, sâu sát với dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân và doanh nghiệp; phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân.


Chính phủ kiến tạo hướng tới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Còn chính quyền đối thoại, một mặt dựa trên nền tảng ấy, một mặt  phải nâng cao chỉ số cải cách hành chính; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số mức độ hài lòng của người dân... mà cùng người dân, doanh nghiệp thưc hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.


Ở trên đã nói, đối thoại thể hiện tính dân chủ rất cao. Do đó, chính quyền đối thoại cần thiết phải có mẫu hình “công chức đối thoại” đúng mực. Đó phải là những người thực sự liêm chính; hết lòng phục vụ Nhân dân trên tinh thần “tiên ưu, hậu lạc”, lo trước nỗi lo của người dân, vui sau niềm vui của người dân.


PHONG NGUYÊN