01:03, 24/03/2017

Bảo vệ biển

Sáng 21-3, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), Chính phủ nêu đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển, trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản.

Sáng 21-3, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), Chính phủ nêu đề xuất thành lập hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh, thành ven biển, trên cơ sở chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản hiện đang làm nhiệm vụ thanh tra tại các chi cục thủy sản.


Có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, về câu chuyện thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh. Ý kiến chưa tán thành cho rằng, hiện nay chưa có tổng kết, đánh giá về hoạt động của lực lượng kiểm ngư việc thành lập hệ thống kiểm ngư cấp tỉnh liệu có ảnh hưởng hay không tới việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...


Ý kiến tán thành cho rằng, đây là việc làm rất cần thiết, nhằm tăng cường giám sát, bảo vệ vùng biển của chúng ta.


Ngày 15-4-2014, tại Đà Nẵng, Kiểm ngư Việt Nam chính thức ra mắt, với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn gồm: quản lý nhà nước về chuyên ngành kiểm ngư; thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật; bảo vệ ngư trường; bảo vệ ngư dân khai thác thủy hải sản và các hoạt động kinh tế trên biển.


Hai tuần sau đó, ngày 1-5-2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam. Non trẻ là vậy, lực lượng Kiểm ngư đã làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, tổ chức lực lượng ra thực địa cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan dựng đặt trái phép.


 Kiểm ngư là lực lượng dân sự, chức năng chủ yếu là kiểm tra xử lý vi phạm; thanh tra chuyên ngành thủy sản. Tuy nhiên, kiểm ngư có thể phối hợp với hải quân, biên phòng, cảnh sát biển... thi hành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bảo vệ ngư dân; tìm kiếm cứu nạn..., góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển. Thế mạnh của lực lượng kiểm ngư là hoạt động thường xuyên, liên tục (không như thanh tra chuyên ngành tiến hành theo đợt); khi thi hành công vụ, kiểm ngư viên được sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ, các thiết bị chuyên dùng và được hưởng một số chính sách khác hơn thanh tra chuyên ngành thủy sản.


Theo ông Trần Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho tới nay, Kiểm ngư Việt Nam vẫn đang trong quá trình kiện toàn và phát triển lực lượng. Hiện nay, lực lượng kiểm ngư trung ương tham gia cùng các lực lượng chấp pháp khác thực thi pháp luật trên vùng biển ngoài khơi. Còn trong lộng và ven bờ, nhiệm vụ này chủ yếu do lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương thực hiện. Mà, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, vùng biển lộng và ven bờ là khu vực cần tăng cường hoạt động giám sát, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng ngư dân dùng kích điện và thuốc nổ để đánh bắt. Do đó, cần tăng cường lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh.


Có thể nói, tăng cường lực lượng kiểm ngư, ngư dân Việt Nam vừa có điều kiện thực hiện tốt hơn pháp luật về thủy sản, vừa có thêm chỗ dựa vững chắc trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên biển quốc gia.


PHONG NGUYÊN