Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh không khí rất rộn ràng, nhộn nhịp. Nhiều ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đến ân cần thăm hỏi, tặng quà Tết cho người dân.
Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh không khí rất rộn ràng, nhộn nhịp. Nhiều ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đến ân cần thăm hỏi, tặng quà Tết cho người dân. Người già, trẻ nhỏ vùng cao cùng náo nức, xúc động trước những món quà xuân nhiều ý nghĩa.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, chỉ tính riêng của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, trị giá số quà hỗ trợ đồng bào miền núi, đồng bào DTTS dịp Tết Đinh Dậu lên tới hơn 3 tỷ đồng. Cạnh đó là số tiền, số quà không nhỏ của các tổ chức, cá nhân trực tiếp hỗ trợ. Nhờ đó, đồng bào miền núi, đồng bào DTTS ở Khánh Hòa đón Tết no đủ, ấm cúng.
Tại hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, trong dịp Tết, các trung tâm thương mại miền núi đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa; làm tốt công tác ổn định thị trường, giá cả. Chuẩn bị rất chu đáo, nhưng, sức mua tại các trung tâm này lại rất yếu. Nguyên nhân được xác định do phần lớn người dân ở đây đã được hỗ trợ quà Tết, không phải mua sắm thêm nhiều. Đồng bào miền núi, đồng bào DTTS đón Tết vui tươi, phấn khởi. Tinh thần trách nhiệm và tình cảm của hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân đối với đồng bào miền núi, đồng bào DTTS qua đây được thể hiện một cách sâu sắc và sinh động. Tinh thần trách nhiệm ấy, tình cảm ấy là vô cùng cao cả, rất đáng trân trọng và phát huy.
Khánh Hòa là địa phương được đánh giá có sự đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Trước nay, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào miền núi, đồng bào DTTS công cụ lao động, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp... nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, đầu tư nhiều nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn; đời sống vật chất và tinh thần người dân miền núi vẫn rất khó khăn; vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cho nên, làm thế nào để giúp đồng bào miền núi, đồng bào DTTS tự vươn lên, xóa được đói, giảm được nghèo hiện vẫn là một câu hỏi, một nỗi trăn trở lớn của nhiều cấp, nhiều ngành và của cả những người thiện tâm.
Lâu nay, chúng ta thực hiện việc giúp đỡ đồng bào miền núi, đồng bào DTTS theo phương châm “không giúp con cá mà giúp cần câu để đồng bào tự câu cá mà ăn”. Phương châm ấy rất đúng. Giúp “con cá” chỉ là giúp ngặt, mang tính chất tạm thời. Giúp “cần câu” mới là phương án sinh kế lâu dài, để đồng bào phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tự vươn lên trong cuộc sống. Nhưng, xác định cho được nội dung “cần câu” ở đây là như thế nào quả là điều không dễ. Cho nên, sự giúp đỡ cần sâu sát, phù hợp trên cơ sở phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân bản địa để sự giúp đỡ, sẻ chia thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Từ thực tế Tết Đinh Dậu, nhiều người ước mong rằng, Tết năm sau, sức mua tại các trung tâm thương mại miền núi sẽ tăng mạnh. Điều ấy chứng tỏ rằng nội lực kinh tế của đồng bào miền núi, đồng bào DTTS đã mạnh lên. Ấy là một ước nguyện đầu năm tốt lành! Mà để có được điều ấy, câu chuyện về chiếc “cần câu” cần được nghiên cứu, thực hiện một cách rốt ráo, quyết liệt hơn nữa.
PHONG NGUYÊN