10:01, 05/01/2017

Chăm lo Tết

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang tới thật gần. Người dân bị thiệt hại do mưa lũ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống, trong sản xuất.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang tới thật gần. Người dân bị thiệt hại do mưa lũ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống, trong sản xuất.


Mùa mưa bão năm nay, Khánh Hòa bị thiệt hại quá nặng. 8 người chết; 70 nhà dân bị sập; 164 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng; trên 6.000ha lúa, hoa màu thiệt hại hoàn toàn; 30 tàu cá bị chìm, hư hỏng; gần 3.000 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi... Tổng giá trị thiệt hại, theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh, có thể lên tới 1.500 tỷ đồng.


Hiện nay, người dân đang ra sức khôi phục, ổn định đời sống, sản xuất. Đến thời điểm này nhiều hộ gia đình nhà bị sập, bị hư hỏng vẫn phải đi ở tạm; đời sống rất khó khăn. Nhiều hộ nông dân mất trắng lúa, hoa màu; nhiều hộ ngư dân mất tàu. Hơn bao giờ hết, đồng bào chúng ta đang cần sự giúp dỡ, đùm bọc cho qua cơn hoạn nạn.


Theo số liệu của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đã nhận được gần 8 tỷ đồng của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên cả nước gửi giúp đồng bào Khánh Hòa bị thiệt hại do mưa lũ. Con số này thật sự có nhiều ý nghĩa trong cơn ngặt nghèo. Vấn đề còn lại là làm thế nào đó để khoản này đến được với người dân thật sớm, giúp bà con nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất; đón Tết đủ no, đủ ấm.


Hiện nay các địa phương tích cực thực hiện sửa chữa nhà cho dân. Trong điều kiện rất khó khăn, huyện Khánh Vĩnh làm khá sớm công việc này. Tinh thần ấy rất đáng được biểu dương. Bởi thời gian đến Tết âm lịch không còn nhiều. Những hộ bị sập nhà ở Phước Đồng không kịp làm nhà mới sẽ được bố trí nơi ở an toàn, chu đáo, TP. Nha Trang hỗ trợ tiền thuê nhà. Tỉnh quyết tâm để mọi người dân bị thiệt hại do lũ lụt được đón Tết trong điều kiện tốt nhất có thể.


Những ngày này, câu chuyện lo cho dân bị thiệt hại do mưa lũ vui xuân đón Tết trở nên gấp rút, khẩn trương hơn bao giờ hết. Còn quá nhiều việc phải lo. Lo nhà ở. Lo lương thực, thực phẩm. Lo phòng ngừa dịch bệnh. Lo cho trẻ tới trường. Cố gắng là vậy, nhưng nhiều công việc có tiến độ vẫn chưa được như ý muốn. Việc thống kê thiệt hại; đề xuất hỗ trợ ở một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, gây ảnh hưởng tiến độ chung. Chẳng hạn như: công việc thống kê số lượng, giá trị tàu cá bị thiệt hại là bao nhiêu, hướng xử lý hỗ trợ như thế nào... cần được gấp rút hoàn thành, để ngư dân sớm khôi phục sản xuất.


Riêng trong câu chuyện hỗ trợ, đồng chí Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết liệt chỉ đạo, nếu nguồn lương thực của Trung ương đưa về cứu trợ không kịp, tỉnh sẽ chi ngân sách dự phòng mua gạo để cấp cho dân ăn Tết. Cùng cả nước, chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân bị thiệt hại do lũ lụt, Tết này Khánh Hòa không tổ chức bắn pháo hoa. Số tiền vận động được sẽ sử dụng vào mục đích giúp người dân bị thiệt hại do lũ lụt. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Nghe thấm thía lắm!


Nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp... vẫn đang lặn lội đến tận những vùng lũ lụt để giúp đỡ đồng bào. Những tấm áo cũ. Những gói mì ăn liền. Nhỏ nhắn vậy, mà nghe ấm nồng tình nghĩa đồng bào. Sự chia sẻ ấy quý giá vô ngần!


PHONG NGUYÊN