Ngày 19-12, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Ngày 19-12, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Theo đó, để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng và tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị quy định:
Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, kỷ niệm ngày truyền thống, chúc mừng cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm… để ăn uống, tiệc tùng, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi. Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, Tết, sinh nhật… phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hóa mới, phù hợp thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; nghiêm cấm lợi dụng biếu xén, đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.
Có thể thấy, những vấn đề Quy định 55 nêu ra đều rất thực tiễn, sát sườn cuộc sống. Nhiều câu chuyện đã in sâu trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của hầu hết cán bộ, đảng viên. Nhân ngày lễ, ngày Tết, ngày truyền thống… gặp gỡ nhau; ôn lại truyền thống tốt đẹp của gia đình, của tổ chức, đơn vị; thăm hỏi, động viên nhau… là nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp. Điều mà Quy định 55 muốn nhấn mạnh là cấm lợi dụng những hoạt động nói trên vào mục địch không trong sáng, vụ lợi; gây lãng phí, phản cảm trong dư luận xã hội. Ở đây, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tổ chức ngày lễ, ngày Tết, ngày truyền thống… mà không vi phạm Quy định 55? Đâu là ranh giới giữa lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống với vi phạm Quy định 55 trong các sinh hoạt nói trên? Vấn đề rất tinh tế. Đòi hỏi cả những người tổ chức sinh hoạt lẫn những người quản lý phải thực sự xuất phát từ cái tâm trong sáng và lòng tự trọng rất cao.
Thực tế, có còn tồn tại tâm lý cấp trên về cơ sở mong muốn cấp dưới tiếp đón cho thật “hoành tráng” để “giải quyết khâu oai” hay không? Có còn tồn tại tâm lý cấp dưới mong mỏi thể hiện sự “biết điều” với “anh Hai”, “chị Ba” để còn được quan tâm, nâng đỡ về sau hay không? Câu trả lời là còn. Thậm chí còn nhiều. Quy định 55, do đó, muốn siết lại kỷ cương trong các mối quan hệ “cấp trên - cấp dưới”; “xin - cho”.
Câu chuyện “vụ lợi” đang diễn biến hết sức tinh vi, khó phát hiện. Ví dụ, tặng quà, trước kia gói, hộp lỉnh kỉnh; nay thì… tài khoản, gọn, và kín đáo vô cùng. Vì vậy, thực hiện Quy định 55 phải hết sức khéo léo, tế nhị.
Quy định 55 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện, tổ chức thực hiện. Về cá nhân, từng đồng chí ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định.
Để thực hiện tốt các nội dung đã nêu, Quy định 55 mong muốn phát huy vai trò tích cực của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm.
PHONG NGUYÊN