05:12, 16/12/2016

Đạo đức người làm báo

Hôm nay (16-10), diễn ra Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hôm nay (16-10), diễn ra Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.


Các nhà báo, hội viên đến dự Đại hội với tâm thế phấn khởi, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới song cũng có nhiều trăn trở, suy tư với nghề. Trong năm 2016, làng báo có quá nhiều sự kiện đáng nhớ mà gần đây nhất là việc Bộ Thông tin - Truyền thông kiên quyết xử lý nhiều tờ báo vi phạm, kỷ luật nhiều nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điều đó cho thấy sự phát triển rất nhanh của công nghệ làm báo đang khiến một bộ phận nhà báo cố tình bỏ quên lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để phục vụ lợi ích riêng, làm suy giảm niềm tin của bạn đọc dành cho báo chí. Dù đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng nó đã làm ảnh hưởng đến môi trường truyền thông, đến những nhà báo hoạt động chân chính.


Những điều đó khiến chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề đạo đức người làm báo. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải có các giải pháp để “thanh lọc” môi trường truyền thông, tinh lọc lực lượng báo chí.


Và chúng ta thấy các cơ quan chủ quản đã có những động thái tích cực đối với vấn đề này. Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo về xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Đáng chú ý, có nhiều nội dung cụ thể hóa quy định khá chi tiết những hành vi được phép của nhà báo khi tác nghiệp. Chẳng hạn như, Điều 3 của Quy định được cụ thể hóa bằng đoạn khá dài, quy định cụ thể về hành nghề như “…nhà báo không đưa thông tin gây hiểu lầm hoặc bị bóp méo; không đăng tin đồn khi chưa được kiểm chứng; không được viện cớ vì lợi ích chính đáng của công chúng để đưa tin giật gân, câu khách”. Trong nội dung này còn có quy định: “Các nhà báo khi viết trên mạng xã hội cần thận trọng, trước khi lập các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, nhà báo cần báo cáo người phụ trách mình”. Những điều này rất sát với thực tế, với chuyện hành nghề của nhà báo trong đời sống xã hội.


Có thể thấy, việc xây dựng quy định về đạo đức của người làm báo cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, để khắc phục những sai phạm xảy ra trong thời gian qua là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề khó là làm thế nào để những quy định ấy đi được vào thực tế. Đây là điều được các nhà báo quan tâm, đặt ra nhiều yêu cầu đối với Hội Nhà báo trung ương và địa phương - bởi đây chính là các cơ quan có chức năng, vai trò quan trọng trong việc quản lý, định hướng, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và nghiệp vụ báo chí cho hội viên.


Quay trở lại với Đại hội Hội Nhà báo tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đại hội cũng đã quan tâm, nghiêm túc nhìn nhận vấn đề đạo đức người làm báo. Điều đó thể hiện rõ trong bản báo cáo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chấp hành nhiệm kỳ tới chính là “tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gắn với việc nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp thực hiện, cho thấy sự quyết tâm của Hội Nhà báo tỉnh đối với vấn đề khơi dậy ý thức nghề nghiệp, đạo đức trách nhiệm người làm báo trong một “thế giới phẳng” về thông tin, với không ít khó khăn, thử thách, cám dỗ như hiện nay.


Tuy nhiên, để cho người làm báo ngày càng có ý thức, đạo đức về nghề nghiệp thì hơn ai hết mỗi người làm báo phải tự xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho riêng mình. Khi người làm báo tự khép mình vào khuôn khổ, có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm, công tâm vì bạn đọc, thì tất yếu họ sẽ có những tác phẩm báo chí chất lượng, luôn được bạn đọc tin tưởng, yêu mến.


LỆ HẰNG