Trong câu chuyện về nghề cá, ngư dân Mai Thành Phúc (Hòn Rớ, Phước Đồng) tỏ ra rất phấn khởi về kết quả đánh bắt của con tàu đóng theo chính sách ưu đãi từ Nghị định 67 của Chính phủ. ....
Trong câu chuyện về nghề cá, ngư dân Mai Thành Phúc (Hòn Rớ, Phước Đồng) tỏ ra rất phấn khởi về kết quả đánh bắt của con tàu đóng theo chính sách ưu đãi từ Nghị định 67 của Chính phủ. Tàu vỏ composite, máy móc, phương tiện hiện đại, hoạt động ổn định. Sản lượng đánh bắt, thu nhập ổn định. Song, ông Mai Thành Phúc vẫn cứ đau đáu suy nghĩ về câu chuyện tàu hậu cần nghề cá.
Thông thường, tàu cá ngư dân ta thực hiện mỗi chuyến biển khoảng 20 ngày. Sắm sửa mọi thứ, ra khơi, rồi trở về, bán sản phẩm; lại chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp. Ngư dân Khánh Hòa phần lớn đánh bắt ở ngư trường Trường Sa; quãng đường đi về quá dài khiến chi phí sản xuất bị đội lên. Thu nhập cho từng chuyến biển, theo đó, bị kéo giảm đáng kể.
Cho nên, ngư dân hiện đang cần những con tàu hậu cần trên biển đủ lớn, đủ phương tiện, thiết bị có khả năng vừa cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm vừa thu mua sản phẩm của ngư dân ngay trên biển. Làm được như vậy, những con tàu đánh bắt không phải đi đi về về tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian; sản phẩm được bảo quản tốt hơn, có giá trị cao hơn. Theo tính toán, nếu có tàu hậu cần thực hiện tốt các công việc nêu trên, chưa tính tới yếu tố thời gian, riêng chi phí nhiên liệu, nhân công có thể giảm tới 70%. Cạnh đó, ngư dân tránh được nạn tư thương, đầu nậu o ép giá cả. Do đó, nhu cầu về những con tàu hậu cần hiện là có thật; đang trở nên khá bức thiết.
Thực ra, câu chuyện tàu hậu cần đã xuất hiện ở Khánh Hòa từ năm 2012. Đó là mô hình tổ hợp tác, Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương đại diện cho tàu mẹ Hải Vương 68 ký hợp đồng hợp tác khai thác; thu mua với 6 ngư đội câu cá ngừ đại dương của tỉnh Khánh Hòa, mỗi đội gồm 5 chiếc tàu đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Tàu mẹ có công suất 1.200CV; hầm đông lạnh -60oC, cung cấp dầu, đá, nước ngọt, nhu yếu phẩm và mua hết số cá đánh bắt được của các tàu con ngay trên biển. Những chuyến biển đầu tiên, ngư dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 tháng, tổ hợp tác này phải tạm dừng hoạt động.
Nguyên nhân được xác định là do tàu mẹ thu mua chưa chuyên nghiệp và chưa có sự thống nhất tốt về giá cả mua bán giữa tàu mẹ và tàu con.
Như vậy, trên thực tế, mô hình tàu hậu cần nghề cá ở Khánh Hòa đã có từ lâu. Ngư dân rất đồng tình ủng hộ. Vấn đề còn lại là tìm được tiếng nói chung, làm thế nào để hai bên cùng có lợi để xây dựng mô hình mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, Khánh Hòa có số lượng tàu đánh bắt xa bờ trên 1.290 chiếc (công suất từ 90CV trở lên); tổng công suất 421.549CV; sản lượng đánh bắt năm 2015 đạt 91.743 tấn. Nếu tổ chức tốt công tác hậu cần ngay trên biển, giá trị gia tăng từ sản lượng nói trên sẽ được nâng lên đáng kể; nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Song, cái khó ở đây không chỉ có vốn, phương thức quản lý mà là phải tìm cho được đầu ra cho sản phẩm. Tàu mẹ thu mua hết hải sản của ngư dân rồi đem tiêu thụ ở đâu? Mà để tiêu thụ cho hết hàng trăm nghìn tấn hải sản mỗi năm là không hề dễ dàng. Do vậy, cần có sự tham gia của nhà nước.
Khánh Hòa đang được đầu tư xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để triển khai đội tàu hậu cần nghề cá xa bờ.
PHONG NGUYÊN