05:10, 13/10/2016

Nghĩ trong ngày doanh nhân

Kể từ năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam đến nay đã tròn 12 năm. Đây là ngày để toàn xã hội tôn vinh giới doanh nhân, biểu dương khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, ...

Kể từ năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13-10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam đến nay đã tròn 12 năm. Đây là ngày để toàn xã hội tôn vinh giới doanh nhân, biểu dương khen thưởng những doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Dẫu có hơi muộn, bởi chúng ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986, nhưng dù sao thì giới doanh nhân vẫn tự hào. Ngày Doanh nhân Việt Nam có thể nói đã thể hiện một tư duy mới, cách nhìn mới của Đảng và Nhà nước, đánh giá đúng những đóng góp to lớn, vai trò quan trọng của giới doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.


Đã có một thời chưa xa, những người làm giàu dù chính đáng cũng bị nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm, thường bị đánh đồng với bóc lột.


Bước vào thời kỳ đổi mới, do cơ chế quản lý bất cập, những vụ đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn kéo theo hàng chục ngàn tỷ của Nhà nước thất thoát càng củng cố sự “thiếu thiện cảm” ấy đối với doanh nhân. Vàng thau lẫn lộn, những doanh nhân thực sự cũng bị ảnh hưởng lây.


Tuy nhiên, thói thường ở ta là cái gì “mở” thì thường thái quá. Kể từ khi vị trí của doanh nhân được trả lại đúng với giá trị thực thì nhiều người nghĩ ra trò… ăn theo. Thời gian qua, hàng năm biết bao nhiêu hiệp hội tổ chức phong tặng đủ các loại cúp, danh hiệu nghe vang trời cho doanh nghiệp, doanh nhân, miễn là chịu tham gia, chịu đóng lệ phí khoảng vài chục triệu đồng. Vậy mới có những giải thưởng trao xong mới phát hiện doanh nghiệp chuẩn bị phá sản, hoặc cười ra nước mắt như vụ trao cúp cho ông… thầy bói ở Tây Nguyên(!)


Doanh nhân ở đâu cũng vậy, đạo lý cao nhất của người làm kinh doanh là làm ra lợi nhuận và đóng thuế đầy đủ. Có lợi nhuận mới có chi phí trả lương cho người lao động của doanh nghiệp và tích lũy để phát triển. Đương nhiên khi doanh nghiệp phát triển, người lao động là người được hưởng lợi đầu tiên. Đó chính là trách nhiệm xã hội của doanh nhân. Hơn thế, có nhiều người còn tự nguyện trích một phần lợi nhuận để làm công tác từ thiện, đó là điều đáng trân trọng.


Từ tâm trạng coi thường doanh nhân đến khi nhìn nhận đúng vai trò của doanh nhân với xã hội là chặng đường dài nhận thức. Tuy nhiên, tâm lý chung của xã hội cho đến hôm nay vẫn chưa thật sự thoát khỏi những vệt ký ức xấu của một thời. Văn nghệ, kịch phim... vẫn thường thấy hình ảnh giám đốc là những người chỉ biết xài tiền, đi đâu cũng cặp kè với thư ký. Những bài báo vẫn thường gặp cụm từ “tư thương ép giá”... nghe hơi hướng của sự phê phán!


Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta đang thí điểm tiến hành kết nạp Đảng đối với chủ doanh nghiệp tư nhân. Đảng đã trả lại vị trí của giới doanh nhân đúng với ý nghĩa thực của họ trong xã hội. Chỉ mong đừng có ai đó lợi dụng việc tôn vinh các doanh nhân là cơ hội kinh doanh, và đương nhiên các doanh nhân chân chính cũng nên tỉnh táo trước những lời mời chào. Bây giờ là lúc cả xã hội phải kịp đổi mới cách nhìn nhận, chia xẻ cùng với các doanh nhân.


THỦY NGÂN