11:10, 02/10/2016

Giữ thương hiệu cho nông sản

Những ngày gần đây, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với nhãn hiệu Ngọc Quang đã có mặt trên thị trường.

Những ngày gần đây, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với nhãn hiệu Ngọc Quang đã có mặt trên thị trường. Đây là một tin vui cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà, bởi Khánh Hòa đã có thêm một nông sản có “lý lịch”. Dẫu biết rằng “chập chững” đi vào thị trường với sự cạnh tranh gay gắt của nhiều sản phẩm gạo từ lâu đã có thương hiệu trong và ngoài nước quả là một khó khăn không hề nhỏ, nhưng qua đây cho thấy, Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang đã mạnh dạn hội nhập với xu thế phát triển kinh tế hiện nay. Vấn đề còn lại là làm sao để nhãn hiệu này trường tồn.


Thực tế cho thấy, việc xây dựng nhãn hiệu đã khó, để trụ vững lại càng khó hơn. Trước khi đưa ra thị trường, hợp tác xã đã xác định sản phẩm gạo Ngọc Quang phải có giá trị khác biệt, trong đó chú trọng đến chất lượng cao theo hướng giảm thiểu dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, hợp tác xã đã chọn những giống lúa thơm để gieo trồng và chế biến theo quy trình sạch, giá thành khi đưa ra thị trường ở mức bình dân. Bước đầu, đơn vị đã thành công với sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, hợp tác xã lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, bởi vì người dân Ninh Hòa đã quen việc dùng gạo giá rẻ trong khi có quá nhiều sản phẩm để lựa chọn. Mặt khác, hạt gạo Ngọc Quang cũng chưa đẹp so với nhiều sản phẩm cùng loại khác… Việc quảng bá sản phẩm trên thị trường chưa được đẩy mạnh và đầu tư dây chuyền chế biến gạo chưa hoàn hảo để cho ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là những khó khăn mà hợp tác xã đang gặp phải.


Để giải quyết những khó khăn như trên, vốn là vấn đề đáng quan tâm không chỉ riêng ở Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang mà của bất kỳ cá nhân hay cơ sở sản xuất kinh doanh nào muốn phát triển ổn định và nâng tầm giá trị sản phẩm. Những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhờ các chính sách hợp lý mà nhiều địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu một số nông sản đặc trưng. Cụ thể như: sầu riêng, mía tím (huyện Khánh Sơn), dừa Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa), xoài Cam Lâm (huyện Cam Lâm), bưởi (huyện Khánh Vĩnh)… Ngoài ra, nhiều cánh đồng lớn đang được triển khai. Tất cả với kỳ vọng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng xứ Trầm Hương.


Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu là điều có thể; tuy nhiên làm sao để giữ vững nhãn hiệu, nâng tầm thương hiệu mới là điều đáng bàn. Bởi thực tế đã có nhiều sản phẩm như: sầu riêng, dừa, xoài chất lượng không cao từ một số địa phương khác trà trộn bán trên thị trường với chỉ dẫn địa lý là những nông sản đặc trưng của Khánh Hòa. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, những rào cản, yêu cầu khắc khe về chất lượng sản phẩm, nhiều điều khoản ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, triển vọng của nông sản Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng đang hiển hiện trước mắt. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần có những định hướng phù hợp, giúp nông dân liên kết để đứng vững; đồng thời có những chính sách quyết liệt trong việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bảo vệ thương hiệu nông sản để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.


ĐẠI HẢI