09:08, 07/08/2016

Nâng vai trò

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về một số nội dung liên quan tới hoạt động của Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về một số nội dung liên quan tới hoạt động của Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Khánh Hòa.


Theo đó, Hội KTS tỉnh Khánh Hòa cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tham gia phản biện xã hội đúng quy định; phát huy trí tuệ đội ngũ KTS trong tỉnh tham gia phản biện xã hội về quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu thành lập Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch (KT-QH) tỉnh Khánh Hòa, trình UBND tỉnh trước ngày 30-9.


Quan tâm công tác quản lý kiến trúc đô thị (KTĐT), từ năm 2007, Chính phủ có Nghị định số 29, xác định: Để đô thị phát triển bền vững, hài hòa, mỹ quan, hiện đại, có bản sắc, cần phát huy vai trò tư vấn của Hội đồng KT-QH, các hội nghề nghiệp liên quan đến KTĐT; hướng tới việc lập chức danh KTS trưởng thành phố; đồng thời, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ quy định và hướng dẫn về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng KT-QH các cấp, về quy chế tư vấn của các hội nghề nghiệp và nghiên cứu đề án thành lập KTS trưởng thành phố.


Nghị định 29 cũng xác định, UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về bộ mặt KTĐT và xử lý các sai phạm về KTĐT trên địa bàn quản lý.


Tiếp đến, ngày 10-4-2008, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 08 hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng KT-QH cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, Hội đồng KT-QH là một tổ chức tư vấn, phản biện chuyên ngành cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật; phát triển đô thị, nông thôn trên phạm vi địa giới tỉnh, thành phố.


Thực tế, đã có nhiều tỉnh, thành phố thành lập Hội đồng KT-QH, thực hiện các nhiệm vụ gồm: Tham gia góp ý định hướng, chương trình, dự án về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn; góp ý nội dung các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của ngành xây dựng và của địa phương về quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị, nông thôn; tư vấn, góp ý phương án, chọn giải pháp tối ưu cho các công trình kiến trúc (kể cả công trình kiến trúc phải qua thi tuyển) khi chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.


Ở những tỉnh, thành phố đã thành lập Hội đồng KT-QH, kết luận của Hội đồng KT-QH là cơ sở để UBND tỉnh quyết định các vấn đề quan trọng về kiến trúc, quy hoạch xây dựng. Trong trường hợp quyết định của chủ tịch UBND tỉnh khác với kết luận của Hội đồng KT-QH thì Hội đồng có văn bản bảo lưu ý kiến. Nói vậy để thấy quyền hạn của Hội đồng KT-QH là lớn và quan trọng tới mức nào.


Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, cơ quan phản biện xã hội cần tiếp cận hồ sơ, tài liệu ngay từ đầu. Các sở, ngành, địa phương liên quan gửi sớm tài liệu để Hội KTS tỉnh Khánh Hòa chủ động nghiên cứu. Sau khi nhận được văn bản góp ý, phản biện, các cơ quan, đơn vị được góp ý kịp thời phản hồi những nội dung, lý do tiếp thu hoặc không được tiếp thu cho Hội KTS tỉnh Khánh Hòa được biết.


Nâng cao chất lượng quản lý KTĐT; nâng cao quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến KTĐT, chúng ta sẽ có được đô thị đẹp, hiện đại, giàu bản sắc.


PHONG NGUYÊN