10:05, 29/05/2016

Vì thực phẩm an toàn

Thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW, ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, 5 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các cấp, ngành đã kiểm tra thường xuyên, sâu sát và kịp thời, đặc biệt là đã gắn được trách nhiệm của các tổ chức có liên quan tới việc sản xuất và cung cấp thực phẩm.


Nhờ đó, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, góp phần phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cho người dân.


Hiện nay, người tiêu dùng đã có những hiểu biết nhất định để lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Trong khi đó, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và khẳng định uy tín thương hiệu, phần lớn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về vấn đề sử dụng chất kích thích, bảo quản để đưa ra thị trường những thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp vì lợi nhuận trước mắt mà đi ngược lại quy định, lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, bảo quản… làm cho nguy cơ thực phẩm mất an toàn ngày càng cao. Chính vì vậy, hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm củng cố, kiện toàn để kiểm tra chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm. Những năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, lấy mẫu đi kiểm nghiệm đối với một số thực phẩm có nguy cơ cao như: thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, thức ăn đường phố. Từ năm 2011 đến 2015, trong tổng số 2.963 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, chi cục đã phát hiện 426 mẫu không đạt tiêu chuẩn…


Bên cạnh đó, hoạt động quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể cũng từng bước được kiểm soát. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở và bếp ăn tập thể đều đã có ý thức chấp hành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, trong 5 năm qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 187 người mắc, trong đó có 3 vụ không rõ nguyên nhân, 3 vụ do vi sinh vật, 4 vụ do ăn sinh vật biển có chứa độc tố (làm 4 người chết). Riêng trong năm 2015, số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên đã giảm 50% so với trước đó…


Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: Một số địa phương chưa quan tâm; sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chưa đồng bộ; lực lượng làm công tác quản lý còn mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều việc; các khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của tỉnh xây dựng còn chậm; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm chưa chú trọng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ… Từ những hạn chế nói trên, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để góp phần đưa đến cho người tiêu dùng những thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phải có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ.


ĐẠI HẢI