Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN). Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có nhiều DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN). Mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có nhiều DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện những nội dung: thực hiện đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực; rà soát các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm; giảm chi phí kinh doanh cho DN; không hình sự hóa quan hệ kinh tế…
Nghị quyết 35 nhấn mạnh nguyên tắc: Nhà nước sẽ thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, coi DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
Trước đó không lâu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết rất quan trọng liên quan vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển DN. Điều ấy thể hiện rõ quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thật tốt để phát triển DN.
Trước nay, trong thực tế, vẫn tồn tại tình trạng nghị quyết, văn bản pháp luật đã ban hành, nhưng hiệu lực thực thi chưa cao. Cạnh đó, do cơ chế giám sát chưa đủ mạnh nên có một khoảng cách không nhỏ giữa các quy định của nghị quyết với thực tế thực hiện; hoặc mỗi ngành, mỗi địa phương có một cách hiểu, cách thực hiện khác nhau. Nhiều ý kiến chỉ đạo của Chính phủ chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Nghị quyết 35 đưa ra nhiều cơ chế, công cụ cho vấn đề giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ DN. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển DN trên trang thông tin điện tử, công khai kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình, nếu không giải quyết được thì phải giải thích rõ tại sao. Việc theo dõi, giám sát và báo cáo Thủ tướng sẽ được thực hiện thường xuyên, theo đến cùng vấn đề và truy đến cùng trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.
Có thể nói, qua Nghị quyết 35, Chính phủ kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính phủ quyết liệt. Các ngành quyết liệt. Địa phương quyết liệt. Nghị quyết 35 sớm đi vào cuộc sống, điều kiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN sẽ thuận lợi hơn.
Trên địa bàn Khánh Hòa, thực hiện Nghị quyết 35 sẽ có nhiều thuận lợi khi UBND tỉnh đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
PHONG NGUYÊN