Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh, những năm qua, phong trào này đã có bước phát triển mạnh, huy động được lực lượng của cả hệ thống chính trị tham gia.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, những năm qua, phong trào này đã có bước phát triển mạnh, huy động được lực lượng của cả hệ thống chính trị tham gia. Qua đó, xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa…
Trong quá trình triển khai phong trào, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm đến phát triển đời sống kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng ở mỗi địa phương. Toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: Tổ hợp tác chăn nuôi heo cao sản tại xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) thu nhập bình quân mỗi hộ từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; Tổ hợp tác nuôi gà thả vườn tại xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) thu nhập bình quân mỗi hộ từ 40 đến 50 triệu đồng/năm; Tổ hợp tác trồng khoai sáp Đồng Bé tại xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) thu nhập bình quân mỗi hộ 40 triệu đồng/năm; Tổ hợp tác sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ tại phường Cam Thuận (TP. Cam Ranh) thu nhập bình quân của các thành viên hơn 100 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng thay đổi rõ nét. Tại các khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Ngoài ra, việc đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng được quan tâm; các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm được trân trọng và đề cao ở các gia đình, cá nhân trong cộng đồng nhằm giáo dục thế hệ trẻ xây dựng nhân cách toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ…
Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cao đẹp dân tộc. Môi trường văn hóa ngày càng trong sạch, lành mạnh; an ninh trật tự ở vùng nông thôn được giữ vững, ổn định; tệ nạn xã hội được ngăn chặn và xử lý kịp thời; hệ thống thiết chế văn hóa từng bước hoàn thiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt ở nông thôn.
Tuy vậy, phong trào vẫn còn những hạn chế nhất định cần được khắc phục để nâng cao chất lượng phong trào. Chẳng hạn như: Một số địa phương vẫn còn chạy theo thành tích, chưa đánh giá thực chất phong trào, nhiều khu dân cư bình xét danh hiệu văn hóa chưa dân chủ, công khai. Công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai sâu rộng để tập hợp lực lượng quần chúng tham gia. Một số gia đình thực hiện chưa tốt quy định về việc cưới, tang và lễ hội…
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu có: 90% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó 30% gia đình văn hóa làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn; 80% thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 50% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị… Để làm được điều này, cả hệ thống chính trị cần phát huy vai trò của mình để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào; lồng ghép với các cuộc vận động, phong trào thi đua để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra nhằm huy động sức mạnh của toàn dân theo nguyên tắc tự giác, tự quản là chính. Trong công tác quản lý nhà nước, ở từng địa phương cần xác định phương hướng, mục tiêu cụ thể nhằm từng bước phát triển phong trào cả bề rộng và chiều sâu; điều chỉnh kịp thời những lệch lạc, có sự bổ sung thích hợp, đồng bộ để phong trào đạt kết quả cao.
ĐẠI HẢI