Những ngày qua, một làn sóng tuyên chiến với thực phẩm bẩn đang được dư luận hết sức quan tâm. Đài Truyền hình Việt Nam cũng ra mắt chương trình "Nói không với thực phẩm bẩn" nhằm góp phần với các ngành chức năng tuyên truyền, đấu tranh chống lại tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường hiện nay.
Những ngày qua, một làn sóng tuyên chiến với thực phẩm bẩn đang được dư luận hết sức quan tâm. Đài Truyền hình Việt Nam cũng ra mắt chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn” nhằm góp phần với các ngành chức năng tuyên truyền, đấu tranh chống lại tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường hiện nay.
Có thể nói, công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua dù đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng hàng loạt vụ sử dụng chất cấm nguy hại dùng trong thực phẩm bị phanh phui như: lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích trong rau quả; rồi việc phát hiện măng tươi, dưa muối được ngâm bằng chất vàng ô - chất có thể gây ung thư ở Huế, Đà Nẵng, khiến nhiều người không khỏi lo lắng…
Tại Khánh Hòa, tuy ngành nông nghiệp đã trấn an người tiêu dùng là trong thời gian qua chưa phát hiện cơ sở chăn nuôi nào trên địa bàn tỉnh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo, nhưng nhiều người vẫn không khỏi lo ngại. Bởi lẽ, với tổng đàn heo trong toàn tỉnh hơn 200.000 con được nuôi theo 3 hình thức: chăn nuôi tập trung, chăn nuôi vừa và nhỏ, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình thì đây là mới là chuyện chưa phát hiện mà thôi. Việc giết mổ heo hiện nay cũng chỉ mới làm thủ công, chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và không đảm bảo vệ sinh. Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho thấy: năm 2015, Chi cục đã lấy 51 mẫu giám sát thịt heo tại các lò mổ thì có 3 mẫu tồn dư kháng sinh. Ngoài ra, ở đây có một vấn đề liên quan đến việc khảo sát, điều tra; đó là cần phổ biến minh bạch và đầy đủ kết quả của cuộc khảo sát, từ việc xác định mục tiêu, đối tượng, tỷ lệ lấy mẫu, cho đến việc phân tích, đưa ra kết luận… để những ai quan tâm có thể xem xét, kiểm chứng nhằm tạo sự tin cậy, tăng khả năng thuyết phục.
Thực ra, đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, ngay cả khi chưa thực hiện được những cuộc khảo sát, điều tra toàn diện thì người dân cũng đã biết được tình trạng thực phẩm bẩn và các vụ xử lý vi phạm khắp nơi đã đến độ báo động. Người dân hàng ngày vẫn phải sử dụng các loại rau quả, thịt, cá mà không biết có an toàn hay không? Công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm dù đã được đẩy mạnh, song hiệu quả rõ ràng vẫn chưa cao, bởi lẽ việc kiểm tra mới chỉ được tiến hành ở các cơ sở lớn, các nhà hàng, khách sạn… Trong khi đó, thực phẩm, nông sản… tại các chợ dường như rất ít được kiểm tra về chất lượng. Chính vì thế, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã phải họp báo xin lỗi người dân khi phát biểu trước Quốc hội “Đa số thực phẩm là an toàn...”.
Sắp tới đây, Bộ luật Hình sự sửa đổi (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7-2016) sẽ chính thức hình sự hóa đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, trước khi luật pháp được thực thi thì nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm ở tất cả các khâu cần phải sớm có giải pháp khắc phục.
T. A