Những năm qua, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Những năm qua, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Tại Khánh Hòa, từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016, lượng mưa thiếu hụt từ 22 đến 33%; lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 50 đến 70% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Đặc biệt, trên sông Cái Nha Trang đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc là 3,08m, thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử trong chuỗi số liệu thống kê 0,02m. Tình trạng khô hạn đang xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt tại nhiều địa phương.
Gần một tháng qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng gay gắt, xảy ra hiện tượng gia súc của người dân bị chết và thiếu nước uống. Do nắng hạn, nhiều diện tích đất trồng lúa đã phải dừng sản xuất, nhiều diện tích mía bị thiệt hại nặng… Trước tình hình này, những ngày qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chống hạn tại các địa phương. Bên cạnh định hướng việc sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng phù hợp, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương quan tâm rà soát hỗ trợ cho những trường hợp bị thiệt hại trong sản xuất do nắng hạn gây ra…
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, El Nino sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giữa năm 2016, tình trạng khô hạn còn kéo dài đến hết tháng 8-2016. Vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành Phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Phương án đã đề ra nhiều biện pháp phi công trình trong phòng, chống hạn và xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp. Cụ thể như: khi xảy ra hạn hán sẽ rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp; hướng dẫn nhân dân sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý; tăng cường công tác quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng… Đối với biện pháp công trình, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan sửa chữa hồ đập, nâng cấp, sửa chữa kênh mương nhằm tăng cường khả năng trữ nước và dẫn nước; xây dựng các trạm bơm dầu dã chiến để bơm nước từ dung tích chết của các hồ; tăng cường các trạm bơm điện cố định để chống hạn; tu bổ, sửa chữa các hệ thống cấp nước sinh hoạt để đảm bảo cung cấp nước cho người dân… Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện công tác chống hạn năm 2016 gần 62,6 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Trong Phương án phòng, chống hạn và xâm nhập mặn năm 2016, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các xã, đơn vị quản lý công trình thủy lợi, cấp nước đô thị trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc phương án này nhằm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt, không để nhân dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Hy vọng, với phương án đã đề ra, từng địa phương có bước cụ thể hóa phù hợp để vượt qua mùa khô năm nay.
ĐẠI HẢI