Diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 214.000ha, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Hiện nay, Khánh Hòa là tỉnh được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp V - cực kỳ nguy hiểm). ...
Diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 214.000ha, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Hiện nay, Khánh Hòa là tỉnh được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp V - cực kỳ nguy hiểm). Ước tính, toàn tỉnh có hơn 34.800ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng trồng chưa khép tán, các khu vực rừng tiếp giáp với rẫy sản xuất của người dân.
Trong đó, các địa phương có diện tích rừng có nguy cơ cháy cao chủ yếu tập trung ở huyện Khánh Vĩnh với khoảng 10.000ha, huyện Khánh Sơn khoảng 2.000ha, huyện Cam Lâm 500ha...
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng ở các địa phương cho thấy, những khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy chủ yếu là rừng trồng. Cụ thể: ở huyện Cam Lâm có một số khu vực rừng trồng thuộc địa bàn các xã: Cam Phước Tây, Cam An Bắc, Suối Tân; rừng trồng và lồ ô ở xã Cam Tân và Sơn Tân… Ở huyện Khánh Sơn, rừng trồng ở các xã: Ba Cụm Nam, Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình, Sơn Hiệp… Còn huyện Khánh Vĩnh, rừng trồng trọng điểm dễ cháy phân bố đều ở các địa phương trong huyện.
Phần lớn diện tích rừng trồng tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Trước mỗi mùa canh tác, người dân thường đốt dọn rẫy. Ngoài ra, có những trường hợp người dân sử dụng lửa trong rừng rất bất cẩn... Những yếu tố này luôn tìm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao trong mùa khô hanh và dễ cháy lan ra diện rộng.
Vì vậy, các địa phương, đơn vị đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng như: phát dọn và xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa… Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh và lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Mặt khác, tại những khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra, trực gác để nắm tình hình triển khai thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt các tháng mùa khô để phát hiện kịp thời điểm xảy ra cháy; thông tin hàng tuần về cấp dự báo cháy rừng đến địa phương, đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn… UBND cấp xã thực hiện chặt chẽ công tác quản lý, bảo vệ rừng; có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.
Đặc thù rừng ở Khánh Hòa có địa hình đồi núi dốc cao, rất khó khăn trong việc cơ động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Vì vậy, đề công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao ngay từ đầu, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần định hướng rõ cho các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn người dân cách sử dụng lửa trong rừng và khi đốt dọn rẫy để hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh cháy lan ra khu vực khác.
ĐẠI HẢI