09:02, 28/02/2016

Quyết liệt chống hạn

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc mới đây với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác phòng, chống hạn.

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc mới đây với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác phòng, chống hạn.


Dự báo, năm 2016, hạn hán sẽ đến sớm và kéo dài hơn năm 2015. Các khu vực chịu tác động nặng nề nhất là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Khánh Hòa, dự báo tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ tiếp diễn nghiêm trọng trong những tháng tới, dự kiến sẽ có khoảng 10.000ha phải dừng sản xuất do không có nước, năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi sẽ giảm 20 đến 30%, khoảng 7.000 hộ dân sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt...


Để chủ động phòng, chống hạn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp như: xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán; tổ chức kiểm tra nguồn nước, kể cả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; tăng cường tích trữ nước trong các hồ chứa, tu bổ, nạo vét kênh mương để tăng khả năng tích trữ nước ngọt; xem xét chuyển đổi vùng trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác; thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến; rà soát các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, có phương án phòng, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả… Bên cạnh các biện pháp trên, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống hạn cho tỉnh năm 2016 là 36 tỷ đồng, đồng thời sớm triển khai xây dựng một số hồ chứa nước, đập ngăn mặn…
 


Có thể nói, quan điểm, biện pháp chỉ đạo phòng, chống hạn của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã rất rõ ràng, quyết liệt. Vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào? Thiết nghĩ, trong vấn đề này, khâu tuyên truyền là yếu tố hết sức quan trọng. Ngay từ bây giờ, cần tuyên truyền giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hạn hán cũng như các biện pháp phòng, chống hạn. Đặc biệt, cần tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả kể cả trong sinh hoạt và sản xuất. Bởi hiện nay, tình trạng sử dụng nước lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và sụt giảm trữ lượng nước ngầm. Bên cạnh đó, do quan niệm sai lầm “nước là của trời cho vô tận, không bao giờ cạn” nên nhiều người sử dụng rất thoải mái nguồn tài nguyên này. Vào mùa nắng nóng, nhiều người vẫn vô tư xịt thoải mái nước máy ra đường, tưới vườn cây, rửa xe. Có những hộ do vòi nước bị hỏng hoặc quên không khóa chặt khiến nước nhỏ giọt suốt ngày đêm, gây lãng phí. Tất nhiên, xài nhiều nước, trả nhiều tiền, nhưng khi sử dụng hãy nghĩ đến 2 tỷ người trên trái đất này còn đang “khát” nước...


Trong thời điểm hiện nay, tiết kiệm nước không chỉ tiết kiệm tiền mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng trở nên quý giá này.


Ngọc Khánh