12:01, 11/01/2016

Tư duy "bình chữa cháy"!

Đến hôm nay, dư luận xã hội vẫn chưa bớt "nóng" về quy định tại Thông tư số 57, ngày 26-10-2015 của Bộ Công an, bắt buộc xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa kể từ ngày 6-1-2016. ....

Đến hôm nay, dư luận xã hội vẫn chưa bớt “nóng” về quy định tại Thông tư số 57, ngày 26-10-2015 của Bộ Công an, bắt buộc xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình cứu hỏa kể từ ngày 6-1-2016. Trên mặt các báo đều là các thông tin về tình trạng chủ xe đổ xô đi mua bình, thị trường “cháy” bình cứu hỏa dù giá bị đẩy lên gấp đôi, gấp 3; nỗi lo bình kém chất lượng để trong xe quá bằng để bom nổ chậm…


Tất cả những điều này, cũng như những chính sách mới trước đây, luôn tạo ra sự hỗn loạn xã hội không đáng có mà tôi tạm gọi là tư duy “bình chữa cháy”. Tư duy này thể hiện trên cả 2 phía: Cơ quan công quyền và người dân.


1. Về phía cơ quan nhà nước, trước khi ban hành một chính sách không hiểu có tổ chức tham vấn những người có chuyên môn, thực tế của những nước xung quanh, đặc biệt là tổ chức thăm dò ý kiến của chính đối tượng sẽ bị áp dụng? Việc trang bị bình cứu hỏa ở đây xuất phát từ ý tốt để người dân tự bảo vệ tài sản của mình nhưng đang bị nghi ngờ. Trước hết là các quốc gia có nền văn minh ô tô từ đầu thế kỷ XX như: Mỹ, Đức, Ý... sau này là Nhật, Hàn  Quốc, xe ô tô của họ dù sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam hay nhập khẩu nguyên chiếc về, chưa ai thấy xe gia đình (xe dưới 9 chỗ) có trang bị bình cứu hỏa và thiết kế chỗ gắn bình. Chỉ những xe vận tải khách, xe chuyên dụng mới bắt buộc phải trang bị.


Tôi có nhận được thư của người bạn hiện đang định cư ở Berlin, bạn cười bảo sao nhà nước mình bao đồng quá. Bên bạn đi học lái xe, bài học đầu tiên họ khuyến cáo nếu xe có sự cố, tìm cách thoát ra khỏi xe nhanh nhất và... điện cho lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Tính mạng con người mới là cái cần bảo vệ, xe lỡ cháy thì để bảo hiểm lo!


Một điều đặt ra cho các nhà lập định chính sách, đó là khi đưa ra quy định này, họ có nắm được hiện tại trong nước có bao nhiêu cơ sở sản xuất bình cứu hỏa, bao nhiêu cơ sở kiểm định bình này? Việc trong thời gian ngắn, thị trường có nhu cầu cấp thiết vài triệu chiếc bình mà không khảo sát kỹ, chỉ là cơ hội màu mỡ cho hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển!


2. Về phía người dân, tâm trạng “nước đến chân mới nhảy” đã trở thành thâm căn cố đế. Tình trạng này nhiều khi tạo ra những áp lực không đáng có cho xã hội, cho cơ quan công quyền!


Trở lại với Thông tư 57, ban hành từ 26-10-2015 nhưng mọi người không để ý, hoặc có biết thì cũng để... từ từ tính! Hơn 2 tháng không ai ngó ngàng đến bình với bọt, cho đến đúng ngày Thông tư có hiệu lực mới đổ xô đi mua, thị trường không có sự biến động mới là chuyện lạ.


Không phải chỉ riêng chuyện này, ngành giao thông nhiều lần phải gia hạn thời gian đổi Giấy phép lái xe, thông báo rất nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vẫn là tình trạng gần như cả năm nơi đổi cấp vắng hoe, tháng cuối năm chồng chồng lớp hồ sơ xin đổi(!)


3. Công tác quản lý nhà nước là một khoa học. Các ngành chức năng của nhà nước khi đề ra một chính sách, một chủ trương... cũng phải tiến hành các bước một cách khoa học để chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đã bao nhiêu quy định chết yểu chỉ vì sự tùy hứng của các cơ quan quản lý: Thu phí đường bộ đối với mô tô, xe máy; quy định khám sức khỏe đối với người điều khiển mô tô như phi công, từ vòng ngực tối thiểu đến lực bóp tay... Đến việc cứ xảy ra vụ việc gì là đùng đùng tiến hành thanh tra, kiểm tra: Xảy ra một vụ ngộ độc thức ăn mới gấp rút kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, xảy ra vụ nhà xây cao quá phép mới triển khai rà soát lại tất cả những dự án...


Khi nhà nước trong quá trình điều hành xã hội, đảm bảo xóa đi cái tư duy “bình cứu hỏa” như nói ở trên, khi đó xã hội có lẽ cũng bớt được tâm lý chờ nước đến chân mới nhảy!


TRẦN DUY