Ngày 9-1 là Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên (HS-SV) Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, 66 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, HS-SV luôn nỗ lực để kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ra sức học tập, nghiên cứu khoa học để góp phần đưa đất nước vượt qua lạc hậu, đói nghèo.
Ngày 9-1 là Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên (HS-SV) Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, 66 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, HS-SV luôn nỗ lực để kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ra sức học tập, nghiên cứu khoa học để góp phần đưa đất nước vượt qua lạc hậu, đói nghèo.
Có thể thấy, thanh niên, HS-SV chính là “rường cột” của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới lực lượng này. Trong nhiều bài viết, Người đã nêu rõ vai trò hết sức quan trọng của HS-SV. Thực hiện mong ước ấy của Người, thời gian qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, các thế hệ HS-SV Việt Nam luôn cố gắng, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng để góp phần thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, cả nước có rất nhiều HS là con ngoan, trò giỏi; nhiều SV “Sao tháng Giêng”, “SV 5 tốt”; nhiều gương mặt HS vượt khó vươn lên trong học tập, giúp đỡ bạn khuyết tật đến trường, cứu bạn khi gặp hoạn nạn; vô số gương mặt SV tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội vì cuộc sống cộng đồng… Tất cả những hành động đó đều hướng tới xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn.
Tại Khánh Hòa, hiện nay có hơn 270.000 HS, hơn 20.000 SV. Những năm qua, HS-SV trên địa bàn tỉnh luôn phát huy truyền thống hiếu học, say mê nghiên cứu, sáng tạo; thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, giúp đỡ HS-SV và người dân vùng khó khăn. HS nhiều trường đã có những việc làm ý nghĩa như: Xây dựng quỹ ủng hộ các bạn thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp đồ dùng học tập, quần áo, sách vở cho HS miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, hội SV các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều cuộc vận động, chương trình có ý nghĩa như: “SV 5 tốt”, “Tiếp sức mùa thi”, “Thắp sáng ước mơ”, “Tình nguyện mùa hè xanh”, tham gia xây dựng nông thôn mới… để cùng sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bất hạnh.
Thông qua những việc làm đó, chúng ta có thể thấy sức trẻ tiềm ẩn trong mỗi HS-SV luôn chực chờ dâng trào, sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh số đông HS-SV ngày đêm nỗ lực miệt mài, không mệt mỏi, vẫn còn đó những HS-SV chưa có ý chí vươn lên, còn ỷ lại, dựa dẫm vào sự “giúp sức” của bạn bè, gia đình... Chúng ta cần phải dũng cảm thừa nhận rằng, vẫn còn không ít HS thiếu kỹ năng sống, mà mọi người thường hay ví von là “gà công nghiệp”; nhiều SV chưa được trang bị tốt về bản lĩnh chính trị khi bước vào lập thân lập nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít SV ra trường không tìm được việc làm. Có thể có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung vẫn do sự định hướng áp đặt từ gia đình; các tổ chức đoàn, hội vẫn còn ít môi trường thiết thực, hấp dẫn thu hút, rèn luyện kỹ năng nền tảng cho HS-SV; tình trạng học thêm dạy thêm để đáp ứng “căn bệnh thành tích” chiếm hết thời gian vui chơi, giải trí của HS; các trường đại học phần lớn chú trọng dạy kiến thức hàn lâm mà chưa quan tâm đến việc rèn giũa bản lĩnh chính trị cho SV…
Những tồn tại, bất cập trên cần có giải pháp hữu hiệu. Đó là, thay đổi về tư duy hướng nghiệp trong các gia đình để tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”; trang bị kỹ năng sống, kiến thức thực hành và bản lĩnh chính trị cho HS-SV; sự quan tâm định hướng của các ngành chức năng có liên quan… Chỉ có như vậy, thế hệ “rường cột” của nước nhà mới thật sự đứng vững, đưa Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
ĐẠI HẢI