Trong những ngày qua, người dân Nha Trang, Khánh Hòa chờ đợi và hy vọng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sớm giảm giá cước theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Trong những ngày qua, người dân Nha Trang, Khánh Hòa chờ đợi và hy vọng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải sớm giảm giá cước theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cho dù Sở Tài chính đã thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải chưa thực hiện kê khai giảm giá và lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng khẳng định sẽ có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị chưa chịu giảm giá; song trên thực tế, ở nhiều hãng xe trên địa bàn TP. Nha Trang, giá vé xe trong dịp trước và sau Tết đã tăng gấp hai lần và nhà xe có nhiều “chiêu” để “né” sự kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Theo phản ánh của người dân, giá vé những ngày sau Tết đều đã tăng lên từ 400.000 đồng đến 450.000 đồng/vé tùy hãng. Tuy nhiên, điều bất thường là các hãng xe không thu đủ tiền mà chỉ nhận tiền đặt cọc bằng với giá vé ngày thường là 200.000 đồng, phần còn lại hành khách phải trả khi lên xe. Trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa mới đây, lãnh đạo Sở Tài chính cũng thừa nhận, do liền kề với dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao đột biến nên khá nhiều DN vận tải đã viện nhiều lý do trì hoãn việc kê khai giảm giá để trục lợi.
Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc vì giá xăng dầu đang liên tục giảm và hiện nay đang ở mức giá thấp nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Làm gì để quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng vận hành đúng quy luật của nền kinh tế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên? Liệu người tiêu dùng có sử dụng quyền của mình, đó là “Quyền tẩy chay” hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc không phù hợp về giá cả, hình thức cung cấp, mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định. Tuy nhiên, “Quyền tẩy chay” của khách hàng chỉ có thể được thực hiện khi thị trường có sự cạnh tranh minh bạch. Người tiêu dùng còn sự lựa chọn nào khác nếu các DN ngầm “bắt tay nhau” nhằm bảo vệ lợi ích cho riêng mình. Chính vì vậy, vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất quan trọng. Để người tiêu dùng sử dụng được quyền này, các ngành chức năng cần sớm công khai thông tin về các đợt kiểm tra và các DN vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia: Để quản lý được giá cước vận tải thì mấu chốt phải là tầm hoạch định chính sách vĩ mô, đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào thành những mặt hàng kinh doanh có điều kiện có sự quản lý giá trực tiếp của Nhà nước. Bởi lẽ hiện nay, các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra DN chỉ tác động được vào phần thuế. Nếu DN không giảm giá cước vận tải trong khi giá xăng giảm nhiều lần, thì sẽ có doanh thu cao hơn và phải đóng thuế bổ sung phần lợi nhuận thu được kia. Giá cước vận tải bao nhiêu là quyền tự chủ của DN và không vi phạm quy định. Chính vì thế, người tiêu dùng hiện nay vẫn đang chịu mức giá đắt đỏ, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước vẫn “chạy theo” giá cước một cách bị động, không có những biện pháp quản lý giá cước linh động với những biến động của thị trường.
THU AN