Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Khánh Hòa đã có nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Trung ương về bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ, Khánh Hòa đã có nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG đã chú trọng vào định hướng, khuyến khích thực hiện BĐG trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và gia đình. Nhờ đó, đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong các quan niệm sai lệch về giới, định kiến giới; xã hội ngày càng giảm dần những cái nhìn khắt khe, thiên lệch về vị trí và vai trò của phụ nữ.
Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức tọa đàm và gặp mặt nữ cán bộ lãnh đạo tỉnh nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 để ghi nhận những thành tích mà nữ cán bộ lãnh đạo đã đóng góp, đồng thời động viên nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Hiện nay, việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng đã có nhiều tiến triển, tạo điều kiện thuận lợi để nữ giới hoàn thành nhiệm vụ công tác và có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học... cho cán bộ, công chức, viên chức nữ đã được chú trọng. Năm 2015, toàn tỉnh có 686 lượt cán bộ, công chức, viên chức nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Mặt khác, tỉnh luôn chú trọng đào tạo tay nghề, tạo việc làm mới cho phụ nữ. Chỉ tính năm 2014, thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 26.300 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 46,5%. Năm 2015, nữ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 46,2%. Đến nay, toàn tỉnh có 1.398 doanh nghiệp có nữ làm chủ...
Có thể nói, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu quốc gia về BĐG. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt là nữ tham gia cấp ủy hoặc làm nguồn kế cận của các cấp ủy đảng chưa đảm bảo; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 còn thấp. Trong khi đó, tình trạng bạo lực về giới đâu đó vẫn còn diễn ra; ở các cấp, ngành chưa bố trí được cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG, nhiều cán bộ làm công tác này kiêm nhiệm, nhận thức không đồng đều về giới và BĐG dẫn đến việc triển khai hoạt động còn bị động, lúng túng; kinh phí hoạt động cho công tác này vẫn còn hạn hẹp dẫn đến nhiều hoạt động chỉ mang tính hình thức, chưa rõ nét...
Năm 2016, cùng với cả nước, toàn tỉnh sẽ diễn ra sự kiện chính trị quan trọng đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Để triển khai thành công các nhiệm vụ trên, không thể thiếu sự đóng góp to lớn của nữ giới. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ cần được tăng cường hơn nữa. Các cấp, ngành, địa phương cần có những giải pháp thích hợp, ưu tiên cho nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và gia đình. Có như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mới thật sự có hiệu quả. Qua đó, vai trò và vị thế của nữ giới mới thật sự được nâng cao.
ĐẠI HẢI