10:12, 28/12/2015

Ông Lía ở đâu?

Trong những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục gia tăng khiến người dân rất lo lắng. Đặc biệt, Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao nhất khu vực miền Trung.

Trong những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục gia tăng khiến người dân rất lo lắng. Đặc biệt, Khánh Hòa là địa phương có số ca mắc và tỷ lệ mắc SXH trên 100.000 dân cao nhất khu vực miền Trung. Nếu tháng 9 toàn tỉnh ghi nhận 1.000 ca mắc mới thì từ tháng 10 đến nay, mỗi tháng có từ 1.700 đến 1.900 ca mắc mới. Tính đến ngày 23-12, toàn tỉnh ghi nhận 8.640 ca mắc SXH, có 2 ca tử vong; so với năm 2014 (1.068 ca) tăng gấp 8 lần. Trong đó, thị xã Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất với 2.309 ca, kế đến là TP. Nha Trang 1.861 ca, huyện Vạn Ninh 1.611 ca, huyện Diên Khánh 1.484 ca, các huyện, thành phố còn lại có số mắc dưới 700 ca, thấp nhất là huyện Khánh Sơn 157 ca. Điều này cũng đã dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện.


Tuy các cơ quan chức năng, các địa phương đã triển khai sớm và kịp thời công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, nhưng theo đánh giá của Đoàn công tác Bộ Y tế sau khi kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại Khánh Hòa mới đây: công tác phòng, chống SXH tại Khánh Hòa chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân là do các ngành, UBND cấp xã chưa vào cuộc quyết liệt, công tác vệ sinh môi trường còn kém, kỹ thuật phun hóa chất chưa đạt. Đoàn kiểm tra đề nghị ngành Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phòng, chống dịch, phải tham mưu huy động được sự tham gia của các cấp chính quyền xã, phường; các ban, ngành, đoàn thể. Công tác phòng, chống SXH cần huy động cán bộ, nhân viên tham gia diệt bọ gậy tại nơi làm việc và gia đình. Hiện nay, thời tiết đang nắng mưa đan xen là điều kiện thuận lợi cho muỗi và bệnh SXH phát triển mạnh, có khả năng gây ra dịch lớn và lan rộng. Thực tế, các dụng cụ, vật chứa nước có bọ gậy vẫn chưa được xử lý triệt để...


Nói đến chuyện diệt muỗi và bọ gậy, người viết lại nhớ đến ông Trần Văn Lía - người đã sản xuất ra máy bắt muỗi ở Ninh Hòa. Đề tài này đã từng đạt được nhiều giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật, và cũng đã có công ty ký hợp đồng với ông Lía để sản xuất hàng loạt máy bắt muỗi... Tuy nhiên, không biết sản phẩm máy bắt muỗi của ông hiện nay được bán ở đâu? Vì sao đến nay vẫn chưa được phổ biến rộng rãi dù có hiệu quả rất thiết thực cho từng gia đình? Vì sao trong các biện pháp diệt muỗi, chưa thấy chính quyền địa phương khuyến khích người dân sử dụng chiếc máy này để diệt muỗi, vừa hiệu quả, vừa an toàn, thay vì áp dụng các biện pháp sử dụng hóa chất...


Được biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có hàng trăm sáng kiến khoa học kỹ thuật được trao giải thưởng. Trong đó có rất nhiều sáng kiến hay và thiết thực trong đời sống cũng như sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, để các sáng kiến này được phổ biến và nhân rộng trong đời sống lại là cả một câu chuyện dài. Và chuyện máy bắt muỗi của ông Lía là một điển hình.


HÀ VI