06:12, 22/12/2015

Mô hình mới

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại; gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo sự hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp, ....

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng hiện đại; gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo sự hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp (DN), cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.


Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, tại các địa phương nói trên có 3.040 tàu khai thác cá ngừ; sản lượng khai thác đến cuối tháng 11-2015 khoảng trên 91.000 tấn. Sự liên kết giữa các DN và ngư dân trong bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đã mang lại hiệu quả bước đầu. Đơn cử như tàu tham gia mô hình liên kết được trang bị hầm bảo quản công nghệ xốp thổi PU nên chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt, khắc phục được một trong những điểm yếu lâu nay trong bảo quản của ngư dân.


Tại Khánh Hòa, phương án “Tổ chức sản xuất chuỗi cá ngừ đại dương đông lạnh” được thực hiện bởi 3 ngư đội, gồm: Trường Sa Lớn (5 tàu); Sinh Tồn (4 tàu); Hải Vương (2 tàu). Nói thêm, để tổ chức sản xuất theo mô hình tàu mẹ - tàu con, 2 tàu mẹ của Công ty TNHH Hải Vương được trang bị hệ thống cấp đông sâu, ở nhiệt độ -50oC, công nghệ Nhật Bản, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Khánh Hòa cũng đang vận động xây dựng một số mô hình mới như Công ty TNHH Lê Trừ liên kết sản xuất, tiêu thụ cá ngừ vằn theo chuỗi gồm đầu tư đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần và tàu lưới vây khai thác cá ngừ; tiêu thụ có nhà máy chế biến đồ hộp và thị trường nội địa.


Hiện nay, tại 3 tỉnh nói trên, các mô hình liên kết chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đã được thành lập và hoạt động. Ngư dân được tập huấn kỹ thuật khai thác, bảo quản sau thu hoạch theo công nghệ tiên tiến. DN tổ chức thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân; kết nối hợp tác quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và thương mại. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã linh hoạt vận dụng các chính sách như Nghị định 67; chính sách tín dụng… để hỗ trợ ngư dân cũng như DN.


Chúng ta đã đầu tư phát triển được đội tàu đánh cá khá mạnh; tạo được bước chuyển mới về năng lực sản xuất nghề cá trên biển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong tổ chức sản xuất, bao gồm cả đánh bắt, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; dự báo ngư trường; xây dựng đội ngũ lao động, cán bộ kỹ thuật… Cho nên, tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản đang là yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách.


Để từng bước củng cố hoạt động, phát huy hiệu quả của mô hình theo chuỗi, theo lãnh đạo ngành thủy sản, cần tập trung tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc: ngư dân thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất; chuyển đổi công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật của ngư dân; việc đào tạo lao động tham gia mô hình còn thiếu bền vững do chưa có sự gắn kết giữa chủ tàu và ngư dân; dịch vụ hậu cần cho nghề cá ngừ còn thiếu…


Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện nay có tới 30% tàu khai thác cá ngừ bị thua lỗ thường xuyên. Đây là con số gợi nhiều suy nghĩ. Làm thế nào để ngư dân có thể sống được, sống tốt với biển?


Có thể thấy, tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi là một trong những cách làm phù hợp trong điều kiện ngành thủy sản đang xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản.


Do đó, đối với các mô hình mới, chúng ta không chỉ có thẩm định, đánh giá về hiệu quả kinh tế mà còn phải nghiên cứu sâu hơn mối quan hệ giữa tư liệu sản xuất với quan hệ sản xuất trong giai đoạn hiện nay để xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách thật sự phù hợp.


PHONG NGUYÊN